Hoa của trẻ khuyết tật

Hoa của trẻ khuyết tật

BT- Năm 2009, khi theo học khóa vật lý trị liệu ở thành phố Hồ Chí Minh, soeur Anna Nguyễn Thị Phượng, hiệu phó phụ trách học tập, tình cờ thấy một người phụ nữ làm hoa voan, nghĩ rằng học trò mình có thể làm được nên soeur Phượng tranh thủ học thêm. Và cũng kể từ đó, chương trình học ở Tổ ấm Huynh Đệ thú vị hơn khi có xen kẽ những tiết học làm hoa.

Đầu tiên soeur Phượng hướng dẫn lại cho các soeur và cô giáo khác bởi “càng có nhiều người giúp các em thì tỷ lệ thành công càng cao vì tay các em yếu, trí óc cũng không bình thường”. Theo đó, cứ vài buổi chiều trong tuần học, các em lại có tiết học làm hoa. Tổ ấm Huynh Đệ (phường Phú Tài, thuộc dòng Mến Thánh Giá Nha Trang) hiện đang nuôi dạy hàng trăm học sinh nhưng số em có nhận thức, biết tiếp thu những lời cô giảng về cách làm hoa thì chỉ dưới 20 em.

Các bước làm được một bông hoa như bẻ kẽm thành cánh hoa, kết voan vào khung kẽm… khá đơn giản với người bình thường nhưng với các bé thiểu năng trí tuệ thì việc điều khiển đôi tay làm việc theo ý muốn không hề dễ dàng, nhưng một số ít các em  tuổi từ 13-17, sáng ý như: Trọng Linh, Trung Hiếu, Anh Thư, Băng Châu… thì chỉ sau một tháng là tự làm được và đến nay  đã rất thành thạo. Sau đó, việc kết các cánh hoa riêng lẻ, cành, lá thành một bó hoa hay bình hoa, do các cô đảm nhận. Một công việc đơn giản hơn được hầu hết các em thích thú, tranh nhau làm là xâu hạt thành vòng cổ hoặc vòng tay, móc khóa…Nhìn các em vụng về đếm hạt, biết phân biệt màu hoa… lòng dấy lên tình yêu thương sự nỗ lực vượt bậc của các em cũng như sự kiên trì, nhẫn nại, uốn nắn, chỉ bảo từng chút một của các soeur, các cô. Soeur Phượng tiết lộ, nhiều em rất thích giờ học này và khi bắt tay vào việc thường rất chăm chú, say mê.

Những giỏ hoa, bình hoa thành phẩm được trưng bày tại trường, được giới thiệu và bán cho khách tham quan, khách từ thiện,  từ 50 – 200 ngàn đồng/sản phẩm, tùy mẫu  và số lượng hoa. Các loại vòng trang sức, móc khóa có giá rẻ hơn. Tại Đại hội Caritas dành cho người khuyết tật lương, giáo trong toàn tỉnh tại Tà Pao, Tánh Linh năm vừa qua, hoa của cô trò Tổ ấm Huynh Đệ đã bán hơn 20 triệu đồng và “làm không kịp để bán”. Tiền bán sản phẩm được trường sử dụng vào việc tăng thêm dinh dưỡng bữa ăn của học sinh hoặc dành cho những buổi dã ngoại…Soeur Phượng cũng cho hay, đây là một phần trong đề án dạy nghề cho học sinh của trường, hướng đến các em từ 13 tuổi trở lên.

Soeur phụ trách, Goretti Hoàng Thị Liên nói: “Các em trong Tổ ấm Huynh Đệ nhiều năm qua đã làm ra một lượng không nhỏ hoa, vòng trang sức… Qua việc làm  hoa, các em tạo được tính tự lập, lòng kiên trì, nhẫn nại, có thêm một nghề nhỏ trong tay để sau này có thể vượt lên, mưu sinh trong đời”.

Mai Kim Dung. Ảnh: Đ. Hòa