Khai thác được thêm du lịch
Khai thác được thêm du lịch, Đa Mi sẽ giàu
BT- Rất sớm, Hà Văn Minh gọi. Giọng
anh nhân viên Ban quản lý rừng phòng hộ Hàm Thuận - Đa Mi, ấm và khỏe: “Trên này
đang mùa chuối, chú ạ. Chuối nhiều đến mức giá có hơi thấp, 3.000 đồng/kg. Người
ở Bảo Lộc vào mua chở đi các nơi. Hôm qua cháu về, thấy trong chuồng heo có mấy
buồng chuối, hỏi thì vợ nói: “Chuối tốt mới được 3.000 đồng/kg. Chuối xấu khoảng
1.500 - 2.000 đồng nên dùng chuối nuôi heo đen”. Nuôi heo đen cũng là cách sinh
lợi chú à.
|
Thác Mây Khu du lịch Hàm Thuận – Đa Mi. |
Chuyện vẫn tiếp tục khi tôi hỏi về
mùa sầu riêng vừa qua đi. Lần này Minh không giấu sự tự hào: “Vợ chồng cháu mới
ra riêng nhưng cũng thu hơn 100 triệu đồng, nhờ giá sầu riêng cuối vụ lên tới
80.000 đồng/kg. Vợ cháu mới mua được cái tủ lạnh 200 lít, cái máy giặt, thay
cái ti vi loại đời mới giá 13 triệu đồng. Bây giờ không sắm, vài năm nữa con lớn
lên, lo cho con đi học, ít có điều kiện sắm”. Tôi hỏi: “Nhiều người trúng sầu
riêng lắm phải không?”. “Dạ nhiều”. Mấy năm trước đã trúng, năm nay trúng nữa,
nhiều người giàu to. Hôm nọ vào Đa Kim, cháu thấy nhiều nhà có ô tô, loại xịn
chứ không phải loại vài trăm triệu đồng…”. Minh càng nói, tôi càng nhớ tới anh
Ngô Xuân Vân - Bí thư Đảng ủy xã, khi trước đó, vào tháng 7 anh cho biết giá sầu
riêng Đa Mi đang ở mức 72.000 đồng/kg, tăng hơn cùng kỳ năm 2016 khoảng 30.000
đồng/kg. Toàn Đa Mi có 554 ha sầu riêng trồng xen canh, năng suất 2,5 - 2,8
tấn/ha. Sản lượng ước tính trên 1.385 tấn. Chỉ cần bán với giá 70.000 đồng/kg,
số tiền dân thu được trong vụ sầu riêng năm nay không hề nhỏ. Chưa kể, Đa Mi còn
1.480 ha cà phê đang thu hoạch. Hiện nay cà phê chuẩn bị vào mùa, năng suất ước
đạt 2,8 - 3 tấn/ha. Hà Văn Minh mới đây bán được một ít cà phê nhân đầu vụ với
giá 40.000 đồng/kg. Khả năng giá sẽ cao hơn vào những ngày tới vì cà phê Đa Mi
đã tạo được thương hiệu. Chỉ cần cộng hai nguồn thu chính: sầu riêng và cà phê,
số thu của người làm nông nghiệp ở Đa Mi là khá cao.
|
Toàn Đa Mi có 554 ha sầu riêng trồng xen
canh. |
Câu chuyện của Minh và trước đó của
anh Ngô Xuân Vân, ít nhiều gợi lên một Đa Mi đang con đường tiến lên khá giả,
giàu có. Và đương nhiên, Đa Mi càng trở nên giàu hơn, khi khai thác được du lịch
sinh thái. Đây là thế mạnh của Đa Mi khi có đến 2 hồ thủy điện, một số thác
nước hoang sơ và vô cùng lãng mạn; thuận lợi giao thông với các trung tâm lớn:
Phan Thiết, Bảo Lộc, Đà Lạt… Chưa kể, từ TP. Hồ Chí Minh đến Đa Mi có thể đi về
trong ngày và theo nhiều đường. Vấn đề là để khai thác được du lịch Đa Mi, cần
đến những nhà đầu tư có tầm nhìn; biết khai thác tài nguyên du lịch khi nó còn ở
dạng tiềm năng, chứ không dựa vào cái có sẵn, chỉ biết cái có sẵn. Bên cạnh đó,
cần có chính sách khuyến khích đầu tư du lịch Đa Mi. Hãy khoan nghĩ đến hình ảnh
“con gà đẻ trứng vàng”, cũng như làm cách nào để lấy cho được trứng của nó mà
hãy làm thế nào để gà về đẻ, đẻ càng nhiều càng tốt. Và nữa, cần phải xây dựng
lòng tin trong các nhà đầu tư. Một khi có lòng tin vào sự ổn định của chính
sách, sự quyết tâm của chính quyền địa phương trong việc hỗ trợ doanh nghiệp,
doanh nghiệp sẽ không ngại ngần bỏ vốn để khai thác du lịch Đa Mi.
Tuấn Tâm