Cẩn trọng cung đường Tà Năng
Cẩn trọng cung đường Tà Năng
BT- Bắt đầu từ xã Tà Năng, huyện Đức
Trọng với độ cao hơn 1.200m, du khách sẽ băng qua những cánh rừng thông, cà phê,
trèo lên những con dốc, đỉnh đồi xanh mướt cỏ dại, vượt qua những thung lũng
sâu, những con suối nhỏ…để đến xã Ma Nới (huyện Ninh Sơn), vòng qua thác Yaly
rồi tới đích là các tán rừng khộp của xã Phan Dũng (huyện Tuy Phong) với cao độ
khoảng 500m. Cung đường đi bộ mạo hiểm (trek, trekking) đi qua 3 tỉnh Lâm Đồng,
Ninh Thuận, Bình Thuận dài hơn 50 km (mất khoảng 3 ngày), đang thu hút du khách
bởi sự gần gũi thiên nhiên, cảnh sắc thơ mộng và hệ động, thực vật phong phú.
Cảnh vật sẽ càng thêm phong phú,
xanh tươi và mát mẻ khi đi bộ vào mùa mưa (từ tháng 6 đến tháng 11), nhưng đồng
thời sẽ đầy thử thách và cam go so mùa khô. Theo nhiều hướng dẫn viên, lộ trình
khám phá vào mùa mưa đi bộ kéo dài 3 ngày 2 đêm vẫn bình thường như mùa khô.
Nhưng cứ đến 14 giờ là mây kéo đến và mưa, cả đoàn thường phải trú tạm, chờ tạnh
mưa rồi tiếp tục đi. Sau cơn mưa, đường mòn trở nên lầy lội, cỏ rậm trơn trượt,
có nhiều đoạn đường ngập sâu. Nếu đã xuống địa phận rừng của tỉnh Ninh Thuận,
Bình Thuận thì gặp phải nhiều suối sâu, đá trơn trượt không thể lường trước
được. “Có những con suối chỉ rộng khoảng 2m, nhưng sâu gần tới cổ người trưởng
thành, khi nhảy qua rất dễ ngã, mà lội qua thì người lạnh buốt…”. Khi dựng lều,
nghỉ qua đêm tại các chốt cắm trại, nhiều bạn trẻ còn bị nhiều côn trùng chui
vào chỗ ngủ như rết, bọ cạp, vắt… và nhiều khi cả rắn.
Để có thể tận hưởng kỳ trekking lý
thú và an toàn vào mùa mưa, các bạn trẻ cần chuẩn bị các vật phẩm cần thiết như
các túi đồ khô, ba lô không thấm nước (để giữ khô ráo cho quần áo, các thiết bị
điện tử, liên lạc, đèn pin… không bị ẩm, ướt), áo mưa đi rừng; các loại thuốc cơ
bản như thuốc phòng côn trùng, chống muỗi, thuốc hạ sốt, dầu nóng giúp giảm đau
khi bị bong gân, trật khớp, dụng cụ y tế nhỏ gọn. Ngoài ra, du khách cần lựa
chọn các đơn vị dẫn đường, người dẫn đường có kinh nghiệm, có trình báo với
chính quyền nơi đến, không nên đi tự túc, đi quá ít người.
Khi vượt suối hoặc các đoạn đường
trơn trượt, cần dùng dây thừng và đi cùng nhau, tránh hiện tượng lẻ tẻ, mạnh ai
nấy đi. Quần áo đi rừng phải có độ co giãn, có dụng cụ bảo vệ các khớp tay,
chân, giày leo núi cần có độ ma sát cao, có đeo găng tay. Ngoài ra, thực phẩm
cho chuyến đi cần được hâm nóng trước khi ăn, tránh các loại thực phẩm khó tiêu
hóa…
Vụ việc xảy ra ngày 7/10 vừa qua
khiến chị Tuyết Quân tử nạn khi bị dòng suối (gần thác Yaly) cuốn trôi là bài
học cảnh báo với khách du lịch về những nguy hiểm có thể rình rập khi đi xuyên
rừng Tà Năng - Phan Dũng vào mùa mưa.
Chí Bình