Tu bổ
Tu bổ, tôn tạo
tháp Po Sah Inư
BT- Trước tháng
6/1987, nhóm đền tháp Chăm Pô Sah Inư gần như là ngôi tháp vô danh, bị bỏ hoang
phế và ít có người biết đến, rất nhiều người gốc Phan Thiết cũng ít ai để ý,
ngay cả người Chăm - vốn là chủ nhân của nhóm đền tháp này hầu như cũng đã quên
lãng, ít khi lui tới để viếng thăm và lễ bái.
Hồi sinh sau gần
1.300 năm
Dựa trên kiểu dáng, chất liệu xây
dựng, trang trí nghệ thuật và vật thờ bên trong để các nhà nghiên cứu khoa học
về khảo cổ, lịch sử và kiến trúc định ra các phong cách nghệ thuật cùng với đó
là niên đại của từng nhóm tháp. Với những căn cứ đó thì nhóm đền tháp Chăm Pô
Sah Inư ở Phan Thiết thuộc phong cách Hòa Lai có niên đại từ cuối thế kỷ VIII
đầu thế kỷ IX. Như vậy Pô Sah Inư có niên đại gần 1.300 năm.
Trong 5 năm (từ 1987 - 9/1992) được
sự giúp đỡ về kỹ thuật tu bổ di tích của chuyên gia Ba Lan, đứng đầu là kiến
trúc sư Kazimierz Kwiatkowski (người Việt gọi thân mật là kiến trúc sư Kazik).
Ông được biết tới qua những nỗ lực bảo tồn các di tích lịch sử và khảo cổ tại
miền Trung Việt Nam, như ở Mỹ Sơn - Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa,
Phan Rang. Kiến trúc sư Kazik được coi là người có đóng góp lớn trong việc bảo
tồn các di tích kiến trúc Chăm. Sau giải phóng, đối với ngành văn hóa việc bảo
tồn di tích Chăm ở nước ta là việc làm mới mẽ, nên gặp phải sự ít hợp tác từ
phía chính quyền địa phương ở một số nơi. Do đó, ông đã nỗ lực vận động chính
quyền địa phương tiến hành các biện pháp bảo tồn, trùng tu các tháp Chăm. Nhờ đó
đã cứu vãn được sự sụp đổ tự nhiên cũng như giữ lại những phần nguyên gốc để đến
nay trên cơ sở những phần nguyên gốc ấy với những tư liệu khoa học mà tu bổ tôn
tạo. Nhóm đền tháp Chăm Pô Sah Inư là di tích được phục hồi lại với một quá
trình như vậy.
Tu bổ tôn tạo di
tích
Tháng 6/1987, đoàn trùng tu di tích
Ba Lan đang hướng dẫn tu bổ tháp Po Klong Garai ở Phan Rang đã vào khảo sát tháp
Pô Sah Inư, đoàn do kiến trúc sư Kazik chủ trì. Thời kỳ này nhóm tháp đang bị
cây cối quấn và phủ kín từ thân lên đến đỉnh của cả 3 tháp. Cả 3 tháp đều bị sạt
đổ phần đỉnh, phần thân bị ăn mòn vào quá nửa. Đến mức kiến trúc sư Kazik dùng
từ “các tháp đang đứng trên đệm không khí” để chỉ nguy cơ sụp đổ trong báo cáo
gửi về Bộ Văn hóa lúc đó.
Lúc này công trình thủy lợi hồ Sông
Quao đang thi công. Tỉnh đã điều về đây một chiếc máy ủi bánh lốp loại lớn để
san ủi và kéo các cây dây leo cổ thụ trong khuôn viên tháp. Mặt bằng của tháp đã
được định hình. Việc tu bổ tôn tạo với di tích này quá nhiều hạng mục, công việc
phải làm. Bởi sau gần 1.300 năm tồn tại, chịu ảnh hưởng trực tiếp của tự nhiên,
nắng gió và cả sự vô cảm của con người, do đó sau khi khai quật để lộ ra những
phần nền móng và phần thân trên của các đền tháp ở trong tình trạng kỹ thuật rất
xấu. Hầu hết, gạch ở tháp đều phổ biến tình trạng bị mục nát. Rất nhiều mảng
tường gạch bị phân hóa chỉ còn lại một phần ở lỏi giữa. Nhiều bộ phận bị sạt lở,
mất liên kết, đa phần đã bị biến dạng và mất hết hình dáng kích thước ban đầu.
Trước tình trạng đó, năm 1989 - 1990
việc gia cố cấp thiết chống sụp đổ ở các tháp được tiến hành. Kiến trúc sư Kazik
luôn kiên trì theo đuổi nguyên tắc trùng tu “khảo cổ học”, trong đó di tích gốc
sẽ được giữ gìn nguyên vẹn ở mức tối đa và các biện pháp trùng tu chỉ được áp
dụng để duy trì hiện trạng. Tiếp theo đó công tác khai quật khảo cổ học được
tiến hành ở phạm vi lớn và đã tiến hành định vị, làm rõ các phế tích mới phát
hiện.
Hoàn thiện
Giai đoạn tiếp theo từ năm 1995 -
1996, tu bổ tháp chính về cơ bản đã trả lại hình dáng xưa của di tích, đồng thời
xử lý những hạng mục đã xuống cấp nghiêm trọng đem lại sự chắc chắn, vững bền và
kéo dài tuổi thọ cho di tích. Năm 1997 tu bổ tôn tạo các tháp còn lại. Việc tu
bổ, phục hồi cả 3 tháp trong nhóm được thực hiện nhiều năm liên tục. Các bộ phận
chủ yếu của từng tháp đã được định hình. Ngoài hình dáng và dấu tích thực tế,
các nhà trùng tu thời kỳ này còn dựa vào các bản vẽ và ảnh chụp khá đầy đủ và
chi tiết của nhà nghiên cứu và khảo cổ học, sử học người Pháp là H.Parmentier
hơn 100 năm trước để nghiên cứu.
Sau hơn 20 năm kể từ ngày tu bổ,
phục hồi những hạng mục chính, đến nay những phần chưa tu bổ hoặc đã gia cố để
giữ lại hình dáng kiến trúc trước đây đang được tôn tạo lại theo thiết kế của
Viện Khoa học công nghệ xây dựng miền Trung (Bộ Xây dựng). Cùng với đó là các
công trình phụ trợ được xây dựng để phát huy giá trị di tích, như: Cổng, tường
rào, sân lễ, nhà đa năng, bãi đỗ xe, hồ điều hòa, nhà trưng bày và các quầy hàng
lưu niệm…
Khi việc tu bổ tôn tạo các di tích
xong, đồng thời các công trình phụ trợ cũng hoàn chỉnh, khu vực tháp Po Sah Inư
chắc chắn sẽ trở thành điểm tham quan và du lịch lý thú.
Nguyễn Xuân Lý