Tân Thành - dưới khung trời quyế

Tân Thành - dưới khung trời quyến rũ

BT- Chỉ có 15 km bờ biển nhưng với địa hình nhiều bãi đá kỳ thú, Tân Thành (Hàm Thuận Nam) đã thu hút tập trung gần 70 dự án du lịch, thật hiếm thấy ở một nơi nào trong tỉnh Bình Thuận được như thế. Có thể nói nếu không có tuyến đường du lịch Kê Gà nối với xã Thuận Quý thì địa bàn Tân Thành vẫn là vùng đất cách trở với các xã trong khu vực. Nếu bây giờ từ Kê Gà đến Phan Thiết bằng đường bộ ĐT.719 chỉ 29 km thì trước năm 2000 phải đi vòng qua xã Tân Thuận rồi ra cây số 30 - quốc lộ 1A với chặng đường dài đến gấp đôi. Yếu tố hình thành một quần thể du lịch là có cảnh quan thiên nhiên và đường giao thông thuận lợi thì Tân Thành đã hội đủ các điều kiện đó. Nối tiếp với những bãi đá có dáng bờm ngựa nghiêng nghiêng vào bờ thuộc xã Thuận Quý kéo dài đến mũi Kê Gà như một điệu khúc lô nhô của đá và sóng biển. Rồi từ đây bờ biển cát trắng mịn màng uốn cong xuống tận xóm chài Cửa Cạn tạo nên vùng vịnh nước êm đềm.

Thiên nhiên đã bù đắp cho mảnh đất từng trải qua một thời nghèo khó này nhiều di sản tuyệt vời. Dưới chân hòn Đá Mọc cô đơn như từng giờ nhón cao thêm nữa, là bãi đá ngổn ngang nhuộm sắc thu vàng khi sớm bình minh và lúc trời chuyển chiều thì lung linh kỳ ảo. Trải dài những địa danh đèo Đá Dăm, đèo Tùm Lum, Hòn Lan, Hòn Một hay trong đất liền có dải đất Cẩm Kê Sơn, bàu Nổ, bàu Nê, bàu Thái Tử, Suối Cá, Suối Mây… đều mang theo một huyền thoại thấm đậm tình tự quê làng. Hòn Lan là một mỏm đá nhô ra biển, từ trên đỉnh động cát trắng phau nổi lên một chuỗi tảng đá màu đen lấp lánh chảy dài xuống biển. Nhìn từ xa tưởng chừng mái tóc nhung huyền của người thôn nữ tên Lan theo truyền thuyết địa phương.

Giữa nền trời biển xanh nổi lên một bảo tàng đá mang nhiều dáng vẻ, những vân đá kỳ bí như đang nâng tháp đèn cao 65m có lịch sử xây dựng nay gần 120 năm, trở thành ngọn hải đăng cổ nhất Đông Nam Á. Đêm đêm ánh đèn trên đỉnh tháp với công suất 2000W chiếu sáng cách xa hàng chục hải lý có thể nhìn thấy, để dặm hải trình tránh xa những rạn ngầm dưới sóng. Hàng cây sứ bông trắng gốc rễ nua già, có tuổi trăm năm đứng dọc hai bên lối đi kéo dài hàng chục bậc đá rêu phong. Du khách đến Tân Thành đều háo hức đến cho bằng được mũi điện Kê Gà, cách bờ chỉ 300m. Nhưng ở đó tràn ngập một không gian sắc màu của đá, của nắng biển tạo nên một kỳ quan độc đáo giữa vùng biển hoang sơ. Hãy đặt bàn tay lên phiến đá phẳng phiu, mạch nối khít khao thẳng đường như sợi chỉ mới nể phục những người lao động xây dựng công trình thời ấy. Có lẽ trong đó có những người đã nằm xuống vĩnh viễn vì tai nạn, vì bệnh tật gửi gắm vô danh trong ngôi miếu thờ bên cạnh chân tháp hải đăng bây giờ.

Tân Thành không phải là mảnh đất mới mà có một lai lịch hình thành xóm làng cách đây gần 200 năm. Trước khi khai sơn chùa Tà Cú - Linh Sơn trường thọ năm 1870, thiền sư Hữu Đức đã đặt chân đến Tân Thành, dựng mái thảo am tu tập dưới chân dãy động cát cao nên về sau dân làng gọi là Động Chùa, tức nguồn gốc của Kỳ viên tự ngày nay.

 Khoảng từ thập niên đầu thế kỷ này, Bình Thuận có nhiều chính sách kêu gọi đầu tư về du lịch, Tân Thành được coi là địa bàn có nhiều lợi thế thiên nhiên, cảnh quan thơ mộng và có triển vọng khai thác được tiềm năng du lịch phía Nam của tỉnh. Tuy có thời gian với 12 dự án khu nghỉ dưỡng, resort phải dừng lại vì dự án cảng biển Kê Gà, nhưng vẫn không làm nản lòng nhà đầu tư đang tiếp tục hoàn thiện các công trình. Dọc con đường từ Kê Gà đến xã Tiến Thành (Phan Thiết), lần lượt các khu du lịch mọc lên, tạo nên nhiều kiểu dáng rất ấn tượng bên cạnh bờ biển được coi là kỳ thú nhất trong khu vực của tỉnh. Rồi từ đây Tân Thành với chiếc áo mới đầy quyến rũ, trong số các địa chỉ cho khách du lịch khắp nơi đến đây đắm mình trong sóng biển trong xanh và khám phá những dấu tích xưa huyền thoại.

PHAN CHÍNH