Hợp tác phát triển du lịch với A

Hợp tác phát triển du lịch với An Giang

BT- Cụm liên kết hợp tác phát triển du lịch phía Tây Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bao gồm 7 tỉnh, thành: Cần Thơ, An Giang, Hậu Giang, Kiên Giang, Cà Mau, Sóc Trăng và Bạc Liêu. Trải rộng 23.978 km², cụm phía Tây chiếm gần 60% diện tích của cả vùng ĐBSCL và nổi bật với hệ sinh thái đa dạng, đặc sắc được hình thành trên các điều kiện tự nhiên về sông nước, đồi núi, biển - đảo. Cùng với văn hóa vùng miền độc đáo, thể hiện qua nhiều lễ hội truyền thống, con người hiền hòa, hiếu khách… nên khu vực này ngày càng thu hút đông đảo du khách đến tham quan, trải nghiệm, du lịch tâm linh.

Đại diện lãnh đạo hai Sở VH, TT & DL An Giang và Bình Thuận ký kết bản ghi nhớ hợp tác phát triển du lịch.

Với mong muốn liên kết cùng phát triển, vừa qua đoàn công tác gồm đại diện các Sở VH, TT & DL, Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch, Hiệp hội Du lịch, đơn vị lữ hành, doanh nghiệp kinh doanh lưu trú… thuộc cụm phía Tây ĐBSCL đã đến Bình Thuận giao lưu, tìm hiểu thực tế. Thông qua tọa đàm hợp tác phát triển du lịch nhằm giới thiệu tiềm năng, thế mạnh từng địa phương cũng như tham quan một số thắng cảnh, dịch vụ nổi bật tại “thủ đô resort của Việt Nam”, các bên đều mong muốn có sự gắn kết chặt chẽ trong phát triển du lịch. Bình Thuận đã khẳng định thế mạnh về du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, vui chơi giải trí, thể thao trên biển đặc trưng như lướt ván buồm, lướt ván diều, dịch vụ bay ngắm cảnh bằng khinh khí cầu…

Qua tìm hiểu được biết, hoạt động du lịch của cụm phía Tây trong nửa đầu năm nay tiếp tục duy trì mức tăng trưởng khá với gần 15.840.000 lượt khách, tăng 13,8% so cùng kỳ năm 2016 và chiếm 76,8% trong tổng lượt khách du lịch đến ĐBSCL. Riêng đối tượng khách quốc tế đến du lịch các tỉnh phía Tây có khoảng 638.670 lượt, tăng 14,2% so cùng kỳ năm ngoái và chiếm xấp xỉ 50% trong tổng số khách quốc tế đến ĐBSCL… Điều này cho thấy tiềm năng du lịch của các địa phương ở khu vực này còn rất lớn, tuy nhiên cần phải đầu tư cơ sở hạ tầng tương xứng, đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ để giữ chân du khách thay vì chỉ đến tham quan trong ngày.

Căn cứ thực tế, Sở VH, TT & DL An Giang và Bình Thuận đã tiến hành ký kết bản ghi nhớ hợp tác phát triển ngành du lịch của hai địa phương. Mục tiêu hướng tới tăng cường mối quan hệ để liên kết khai thác tốt tiềm năng và thế mạnh sẵn có, góp phần đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế - xã hội. Ngoài việc thường xuyên trao đổi thông tin, kinh nghiệm trong quản lý thì hai sở còn quan tâm xúc tiến quảng bá du lịch, tổ chức và đón các đoàn Famtrip hoặc tham gia chương trình sự kiện liên quan. Đồng thời sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp của An Giang và Bình Thuận kết nối xây dựng tour tuyến, thiết lập quan hệ đối tác cùng có lợi trong hoạt động du lịch… Đây được xem là bước đi đầu tiên giúp ngành du lịch hai địa phương gắn kết, tìm hiểu thông tin, hỗ trợ lẫn nhau để giới thiệu “đặc sản” từng vùng miền, tăng thêm nguồn khách đến Bình Thuận và An Giang nói riêng, cụm phía Tây ĐBSCL nói chung.

QUỐC TÍN