Tuy Phong

Tuy Phong: Một loại hình du lịch bị bỏ quên ở Bình Thạnh

BT- Nhắc đến Bình Thạnh (Tuy Phong) là nhắc đến một xã vùng biển có ưu thế về phát triển du lịch. Ở đây, ngoài các di tích lịch sử - văn hóa như: Cổ Thạch tự (chùa hang) hình thành từ năm 1835, đình làng Bình An (1700- tên xa xưa của Bình Thạnh), Lăng ông Nam Hải từ thời Minh Mạng (1820-1840), nhà lưu niệm cố Tổng bí thư Lê Duẩn, khu di tích lịch sử Cát Bay, còn có bãi đá bảy màu, hang cò, hang yến, hốc Đồng Chung, bãi ngoài, giếng Liệc… là những thắng cảnh khá thu hút…

Đài tưởng niệm cố Tổng Bí thư Lê Duẩn tại xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong.

Nhận thức được thế mạnh của địa phương mình, Đảng ủy xã Bình Thạnh  nhiệm kỳ 2003-2008, đã chú trọng phát triển du lịch, bên cạnh ngư nghiệp là thế mạnh của xã. Tiếp những năm sau, Bình Thạnh có Nghị quyết 47, ngày 15/2/2012, về phát triển du lịch đến năm 2015. Nghị quyết phấn đấu đến  năm 2015,  mỗi năm đón 500 - 700 ngàn lượt du khách, thời gian của du khách lưu trú từ 1,5 - 2 ngày. Bình Thạnh sau đó đã nhận được sự hỗ trợ của huyện ủy, UBND huyện Tuy Phong, thông qua đầu tư vật chất (đường, điện, trạm cấp nước...) cũng như các chính sách mời gọi đầu tư du lịch Bình Thạnh. Kết quả, năm 2016, có 3 dự án đầu tư vào Bình Thạnh. Hình ảnh Bình Thạnh cùng với các thắng cảnh ngày càng được biết một cách rộng rãi. Tuy nhiên, theo UBND huyện Tuy Phong, du lịch Bình Thạnh vẫn còn một số điểm chưa được: Đơn điệu trong loại hình, đa phần là du lịch hành hương, vẫn còn xảy ra ô nhiễm nước thải sinh hoạt, văn hóa ứng xử trong du lịch chưa được đề cao…  UBND huyện Tuy Phong đã yêu cầu Bình Thạnh hướng đến nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong dân, ý thức bảo vệ cảnh quan thiên nhiên; nâng quy mô các hoạt động văn hóa văn nghệ, các lễ hội đặc thù địa phương; nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch hiện có đồng thời phát triển sản phẩm mới; hợp tác với các doanh nghiệp lữ hành trong và ngoài tỉnh để thu hút du khách… Những cố gắng trên đã tác động đến du lịch Bình Thạnh, kết quả 6 tháng đầu năm 2017, lượng du khách đến Bình Thạnh đạt 837 ngàn lượt, thay vì 500 - 700 ngàn lượt trong cả năm như Nghị quyết 47 đề ra. Tuy nhiên, ô nhiễm môi trường do rác thải, nước thải, nạn cò cóc, ăn xin… vẫn chưa được xử lý triệt để… Đáng chú ý là du  khách hành hương vẫn chiếm số đông trong tổng du khách đến Bình Thạnh. Du lịch nghỉ dưỡng có phát triển nhưng chưa mạnh. 

Một loại hình du lịch bị lãng quên

Bình Thạnh có 2.886 ha đất tự nhiên, đa phần là động cát, rừng thưa. Ngoài nghề biển, người Bình Thạnh còn trồng hoa màu ngắn ngày trên đất rẫy và làm vườn. Diện tích vườn Bình Thạnh khoảng 50 ha, với các loại cây trồng, trong đó chanh  tứ quý  khá nổi tiếng vì trái to, mọng, nhiều nước. Những năm sau này do giá của các loại cây trái thấp, thiếu đầu tư thâm canh, diện tích vườn của Bình Thạnh có phần thu hẹp, ít người chú ý giá trị của vườn về mặt cảnh quan.

Tâm và lực của Bình Thạnh đều hướng về du lịch biển, du lịch hành hương, mà quên đi chính yếu tố độc đáo của vườn Bình Thạnh, một kiểu vườn ven biển đất cát pha, với một số loại cây như dừa, chanh, xoài, bưởi có thể khai thác du lịch dưới dạng (loại hình) du lịch dân dã (gần, rất gần với du lịch sinh thái vì dựa vào thiên nhiên, gắn với văn hóa bản địa, phát triển bền vững vì có sự tham gia của cộng đồng địa phương). Theo đó, trong các khu vườn rợp chanh, bưởi, chung quanh được rào bằng những hàng cau (trước đây), có thể dựng lên những nhà mái tranh, tường xây, cùng các phương tiện sinh hoạt khác…  để cho du khách thuê. Có thể thấy rõ đối tượng thuê là những cặp đôi nam nữ, những người ở thành phố quen sống trong  nhà cao cửa rộng, muốn có cảm giác lạ, muốn về với thiên nhiên, với sự dân dã. Cần kể tới, một lượng du khách hành hương thay vì chọn nghỉ trong các nhà nghỉ hiện đại sẽ lựa chọn loại hình này. Bên cạnh cho thuê nhà nghỉ, chủ nhân khu vườn có thể nhận nấu cơm theo kiểu gia đình cho khách, bán các sản phẩm “cây nhà, lá vườn” như: nước chanh, mứt chanh, si rô chanh trị ho và các sản phẩm khác từ vườn cho khách. Tất cả những sản phẩm này không khó để làm ra. Khách ở nhà vườn, nhưng chỉ cần bước ra vài trăm mét là thấy biển, vui đùa với sóng biển… đã là một lý thú, chưa nói có phần diễm tuyệt. Chính sự kết hợp: vườn- rừng- biển, làm nên sự độc đáo riêng có của du lịch Bình Thạnh. 

Vì sao có đề xuất trên?

Nói đến du lịch là nói đến vui chơi, thư giãn, nghỉ dưỡng, hành hương, thỏa mãn nhu cầu tín ngưỡng. Nói đến du lịch là nói đến sự hiếu kỳ, tò mò, muốn khám phá, sự hấp dẫn do cảnh quan mang lại, sự mới lạ, khác biệt của điểm đến. Không ai bỏ tiền đi du lịch khi mà họ biết rõ điểm đến như biết rõ lòng bàn tay mình. Như vậy việc tạo cảnh quan, khai thác cảnh quan, tạo nên sự kỳ thú, hấp dẫn là nhiệm vụ của cơ sở du lịch, địa phương có ngành du lịch. Sự tạo nên đó dựa trên 2 hướng: khai thác cái có sẵn trong thiên nhiên; xây dựng ý tưởng, gắn ý tưởng vào cái đang có, hoặc từ ý tưởng tạo nên sản phẩm nhân tạo mới. Có thể thấy điều này trong các nước thuộc khối Asean. Singapore là một ví dụ.

Gần 10 năm trước du khách đến Quốc đảo này thường được hướng dẫn di thăm vịnh Marina Bay, đi thuyền ban đêm trên sông Singapore, thăm bảo tàng sáp, thăm trung tâm mua sắm, thăm viện đào tạo thiết kế thời trang, thăm đài phong thủy, thăm các khu phố Ấn... Thế nhưng gần đây thì họ có thêm công viên nhiệt đới nhân tạo và Marina Bay Sands Sky Park… Cần nói  thêm, công viên nhiệt đới nhân tạo là một phần của dự án thiết kế cảnh quan rộng 250 mẫu Anh với những cây năng lượng cao 50 m (xây bằng bê tông, còn gọi là siêu cây), chung quanh được bao bọc bởi những cây xanh  nhằm tạo màu xanh và sự thu hút. Còn Marina Bay Sands Sky Park có dạng một con tàu thủy, nằm trên 3 tòa tháp của khu phức hợp Marina Bay Sands. 2 thắng cảnh nhân tạo này đều xuất phát từ ý tưởng của các nhà thiết kế, vấn đề là nó được người có trách nhiệm nắm bắt và ủng hộ như thế nào.

Có thể nói, du lịch là một ngành đòi hỏi sự sáng tạo và đổi mới liên tục. Thiếu sự sáng tạo, hoặc mô phỏng ý tưởng lẫn nhau thì nguy cơ thu hút kém du khách là điều có thể xảy ra. Khai thác ý tưởng, tìm kiếm ý tưởng tốt, lạ, sáng tạo là điều nên làm. Vì vậy, với đề xuất khai thác du lịch dân dã ở Bình Thạnh có thể xem như là ý tưởng để nghiên cứu.   

 Hà Thanh Tú