Định vị thương hiệu

Định vị thương hiệu “Mì quảng Phan Thiết”: Tại sao không?

BT- Nhắc đến “mì quảng” - thì ngay từ cái tên - hẳn ít nhiều đã gợi nên những liên tưởng về quê hương của món ăn này. Đúng vậy, mì quảng đích thị là một món ăn đặc sản nổi danh của vùng đất Quảng Nam - Đà Nẵng. Song, khi nói “mì quảng Phan Thiết”, thì người ta lại ngờ ngợ: Đây là món ăn gì? Có phải là món mì của xứ Quảng được bán tại Phan Thiết? Hay đó là một món ăn… Phan Thiết?

Không thể phủ nhận rằng món mì quảng Phan Thiết có ảnh hưởng nguồn gốc từ món mì của xứ Quảng, qua một quá trình tiếp xúc lâu dài giữa cư dân các địa phương với nhau. Tuy nhiên, tin chắc rằng, người Quảng sẽ cau mày khó chịu khi ăn mì quảng Phan Thiết, cũng như người Phan Thiết đến Đà Nẵng gọi món mì quảng sẽ tròn mắt ngạc nhiên, ủa đây đâu phải mì quảng? Hiển nhiên rồi, vì hai món ăn này về cơ bản rất khác nhau. Dựa trên sự hiện diện phổ biến của mì quảng trong đời sống thường nhật của người dân Phan Thiết như hiện nay, tôi xin được chỉ ra 6 điểm khác biệt cơ bản giữa hai món mì quảng Quảng Nam - Đà Nẵng (QN-ĐN) và mì quảng Phan Thiết.

Thứ nhất - về sợi mì thì mì quảng QN-ĐN có sợi màu vàng hoặc trắng, dẹt, bản to; trong khi đó mì quảng Phan Thiết dùng sợi hủ tíu tươi, trắng, bản nhỏ (có thể kèm vắt mì vàng). Thứ hai, về lượng nước lèo, mì quảng QN-ĐN nước rất ít hoặc chan xăm xắp mặt; ngược lại mì quảng Phan Thiết nhiều nước hơn hẳn, tối thiểu phải ngập mặt lượng mì trong tô. Thứ ba - về thành phần đạm, mì quảng QN-ĐN có thể cho vào tôm, cá, thịt heo, thịt gà, trứng…; nhưng mì quảng Phan Thiết chỉ dùng thịt heo hay thịt vịt (hiếm khi là thịt gà), song tuyệt đối không có nguyên liệu hải sản. Thêm một lưu ý nhỏ, trong gia vị ướp thịt, mì quảng QN-ĐN có dùng củ nén, còn mì quảng Phan Thiết thì không. Thứ tư - về hương vị, mì quảng QN-ĐN có vị đằm, mặn, cay hơn một chút (ảnh hưởng của nền ẩm thực miền Trung) so với mì quảng Phan Thiết vốn nổi trội hơn ở vị ngọt (ảnh hưởng của nền ẩm thực miền Nam). Thứ năm - về món ăn kèm, mì quảng QN-ĐN được dùng kèm với bánh tráng nướng và nhiều loại rau sống khác nhau, còn mì quảng Phan Thiết thì không ăn kèm bánh tráng, và chủ yếu được ăn chung với húng lủi, bèo và giá. Cuối cùng - về màu sắc chủ đạo của món ăn, nếu mì quảng QN-ĐN có màu vàng tươi của nghệ; thì mì quảng Phan Thiết có màu cam đỏ nổi bật của màu dầu điều.

Như vậy có thể thấy rằng, nhiều quán bán mì quảng ở Phan Thiết đều mang chung một hương vị đặc trưng với những đặc điểm kể trên, biến món ăn này trở thành một “đặc sản” riêng - khác biệt và độc đáo. Có những khách du lịch đến từ “thành phố” có cơ hội được ăn món mì quảng Phan Thiết, vì rất ấn tượng với món ăn này, nên đã cố công tìm kiếm món mì quảng Phan Thiết đúng vị ngay tại Sài Gòn để thưởng thức - nhưng rất khó, vì hầu hết các quán ở đây đều là mì quảng QN-ĐN. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, tại TP.Hồ Chí Minh đã có một vài quán mì quảng “chính hiệu” Phan Thiết được thực khách và cả chính những người con Phan Thiết xa quê tìm đến ăn rất đông và khen ngợi về mặt hương vị.

Có phở Hà Nội. Có bún bò Huế. Có cơm tấm Sài Gòn. Vậy tại sao không có mì quảng Phan Thiết? Với những so sánh, phân tích đã trình bày, mì quảng Phan Thiết hoàn toàn có thể được áp dụng một chiến lược định vị thương hiệu để món ăn này có một đời sống riêng, trở thành một trong những đặc sản nổi tiếng của thành phố biển xanh - cát trắng - nắng vàng.

PHÚC THỊNH