Mũi Né
Mũi Né: Linh Long Tự, ngôi chùa xưa bên biển
BTO- “Hoàng hôn
buông xuống, từ Linh Long Tự cổ kính nhìn ra trời biển mênh mông, cảm thấy thật
sự yên tĩnh. Quanh chùa có những khu vườn nhỏ, có tượng Phật nằm màu trắng tuyệt
đẹp. Đây là điểm tham quan hấp dẫn, các bạn nên viếng thăm một lần khi đến Mũi
Né (Phan Thiết)”. Đó là nhận xét của Hanneke người Hà Lan, Chris (New Zealand)…
trên trang website TripAdvisor.
|
|
Phật nhập niết bàn và giếng Ông Hổ. |
Tọa lạc tại giếng
Ông Hổ
Cách Phan Thiết 22 km, Linh Long Tự
nằm trên đồi Nghĩa Trũng - giếng Ông Hổ, ngay trung tâm phường Mũi Né. Ngôi
chùa do các vị tiền bối từ các tỉnh miền Trung vào lập nghiệp, tạo nên từ năm
1811. Lúc đầu, chùa làm bằng tranh tre, vách lá trên dốc đá Thương Chánh (khu
phố 9 – Mũi Né). Năm 1851, do hư hỏng nặng, chùa được dời đến dốc Nghĩa Trũng
- giếng Ông Hổ ngày nay. Lần xây lại này vách bằng đá, lợp ngói âm dương. Năm
1968, Linh Long được xây dựng lại lần nữa.
Tương truyền, đồi Nghĩa Trũng -
giếng Ông Hổ cách đây hơn 200 năm là rừng rậm, hoang sơ, chim muông, thú rừng
thường ẩn náu, kể cả hổ. Những vị tiền nhân thường thấy hổ xuống uống nước tại
cái ao rộng 4m, sâu 5m. Uống xong, hổ ngồi trên tảng đá phơi nắng. Vì thế, người
dân đặt tên là giếng Ông Hổ. Theo thầy Thích Pháp Minh (trụ trì chùa), trước đây
giếng đầy nước quanh năm, đủ nước dùng cho chùa và cho dân lân cận.
Đậm nét kiến trúc
Phật giáo
Trải qua sự di dời và xây dựng lại,
chùa có kiến trúc hình chữ Khẩu đăng đối trong không gian chữ khẩu khép kín chia
thành 5 khu vực: Chánh Điện, Phương Trượng, Đông Đường, Tây Đường và Nhà Trù.
Lưu giữ 2 bản gỗ xưa chạm 2 câu đối, nhiều tượng cổ như: Đức Ngọc Hoàng, Tiêu
diện Đại sĩ (làm từ đất sét) và tượng Quan Thánh Đế Quân (làm từ gỗ) đã có từ
khi chùa mới lập. Ngoài ra, mõ gõ, ghế, bàn đươc chạm khắc tinh xảo với nhiều
hoa văn, hình cá, mặt hổ...
Bên phải là vườn Lâm Tỳ Ni có phù
điêu rồng cuộn hai bên trụ cổng; mô phỏng nơi Phật sinh ra. Bên trái là Lộc
Uyển, có tượng Phật Thích Ca ngồi dưới cây bồ đề thuyết pháp cho 5 anh em nhà
Kiều Trần Như. Phía sau, pho tượng Phật nằm nhập niết bàn. Bao quanh chùa là
cây xanh tỏa mát. Nói chung, các khu vườn quanh chùa Linh Long mô tả cuộc đời
của Phật từ lúc sinh ra đến lúc nhập niết bàn.
Thầy Thích Pháp Minh cho hay, “Từ
cuối tháng 2/2017 đến nay, khá nhiều du khách nước ngoài đến thăm chùa và chụp
hình lưu niệm. Trung bình mỗi ngày có khoảng trên 50 du khách đến, ngày cao
điểm khoảng 150 khách”.
Trang Minh