Đập Đá Dựng trong tiềm năng du l
Đập Đá Dựng trong tiềm năng du lịch của La Gi
BT- Trong đề án xây dựng thị xã La
Gi trở thành đô thị loại 3 trước năm 2020, trong đó lĩnh vực du lịch được xác
định có nhiều lợi thế để phát triển.
|
Đập Đá Dựng. Ảnh: Đình Hồng |
3 cơ sở dinh Thầy Thím, hòn Bà và
đình - vạn Phước Lộc đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cùng UBND tỉnh
Bình Thuận công nhận là di tích lịch sử văn hóa, thắng tích và một số dinh vạn,
đình chùa sẽ hình thành một tuyến du lịch tâm linh. Với La Gi, lễ hội dinh Thầy
Thím đã tạo tiền đề cho phát triển du lịch từ hơn 30 năm qua. Nhưng vì sao 39 dự
án du lịch dọc bờ biển 28 km được tỉnh chấp thuận đầu tư nay chỉ có 5 dự án hoạt
động. Về lâu dài, ngành du lịch phải xây dựng đồng bộ, đa dạng trong xu hướng
phục vụ. Du khách đến La Gi không những đến đây tắm biển, nghỉ dưỡng mà còn có
nhu cầu tiếp cận với du lịch tâm linh, ẩm thực và các công trình, thắng tích
tiêu biểu.
Có thể coi đập Đá Dựng khá đặc trưng
của một công trình xây dựng hài hòa với cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, vắt mình
qua dòng sông Dinh và nằm ngay trung tâm thị xã. Dưới chân đập là một bảo tàng
đá, muôn hình muôn vẻ, tạo ra những bóng sương hư ảo từ thác nước biến đổi từng
mùa. Dưới thời VNCH khi vừa thành lập tỉnh Bình Tuy, đập Đá Dựng được khởi công
xây dựng vào cuối năm 1957, nay tròn 60 năm. Địa hình hội tụ của đá với dáng
đứng sừng sững lạ lùng như tên gọi. Đập dài 80 m, chân dày 3 m và cao 8 m trên
mặt nhằm tưới tiêu cho 500 ha ruộng, là nguồn nước sinh hoạt vừa định hình một
điểm du lịch, tham quan hấp dẫn. Chỉ bằng những phương tiện thô sơ, cảnh quan
được cải tạo từ những gộp đá tự nhiên, cây rừng ven hai bờ đập đều có dàn bông
giấy đỏ.
Phía hữu ngạn sông Dinh có một vườn
hoa rợp bóng trên diện tích rộng khoảng 4 ha với những bồn hoa trang trí đan xen
phượng đỏ và cây cảnh. Đặc biệt loài hoa đào này khác với loài mai anh đào ở Đà
Lạt hay hoa anh đào Nhật Bản, thân cây nhiều nhánh và chỉ thích hợp ở xứ lạnh. Ở
đây, thân cây suôn và lá mềm mại, những đóa hoa đóng chuỗi dài trên thân cây có
màu hồng phấn và mùi hương ngào ngạt. Hoa nở mùa nào cũng có và rộ lên khi tiết
trời vào xuân. Người dân địa phương gọi đó là hoa anh đào vì giống hệt hoa anh
đào Nhật Bản dù thân cây, mùa trổ hoa khác biệt. Bậc thang từ mặt đập xuống bãi
đá lô nhô có tượng kỳ lân và “long ngư vượt vũ môn”, theo truyền thuyết ở thượng
nguồn sông Trường Giang. Trước đây có ngôi chùa một cột trong lòng hồ nhưng bị
lũ quét nhận chìm. Nơi này trở thành khu pic-nic, cắm trại trong những ngày nghỉ
cuối tuần và khách xa đến đều phải một lần ghi dấu vài bức ảnh giữa sông nước và
màu hoa đào kỳ diệu khó thấy nơi nào.
Điều đáng nói, địa bàn này trong
chiến tranh không ảnh hưởng gì để phải chịu sự tàn phá. Tuy những năm sau cũng
có tu bổ nhưng chỉ nhằm tích trữ nước cho nhà máy nước hơn là chú ý đến cảnh
quan. Thật đơn giản, nếu có sự quan tâm đến quy hoạch và bảo tồn công trình đập
Đá Dựng, giữ nguyên vườn hoa đào, giữ “hành lang” bờ sông là nằm trong khả năng
của nhà quản lý. Nhưng từ nhiều năm qua, do không quan tâm đầu tư, buông lỏng đã
để công trình nhếch nhác, vườn hoa đào bị phá sạch, hai bờ sông thì mặc tình san
lấp, cây xanh rặng tre không còn nữa. Vào năm 2012, qua phản ánh từ dư luận, báo
chí, Thị ủy và Hội đồng nhân dân thị xã La Gi đặt vấn đề với chính quyền phải có
biện pháp quản lý đất khu vực để phục hồi, thì mới biết chỉ còn chưa đầy một sào
đất, còn lại đã cấp hết cho dân xây dựng nhà ở, nhà trọ... Lại có lúc giao cho
tư nhân dựng quán nhậu, cà phê trên diện tích đất còn quản lý với giá thuê vài
triệu đồng/năm.
Có lẽ các cấp lãnh đạo địa phương
nên cho truy cứu lại tình trạng đất đai ở đây, khôi phục lại cảnh quan và đặc
biệt là vườn hoa anh đào. Có vậy mới nói đến sản phẩm du lịch giữa lòng đô thị,
góp phần vào sự phát triển du lịch của địa phương, cũng chưa muộn.
PHAN CHÍNH