Đi tìm địa danh Bình Tuy
Đi tìm địa danh Bình Tuy
BT- Có đến hai mươi năm địa danh
tỉnh Bình Tuy là một phần đất rộng lớn phía Tây Nam của tỉnh Bình Thuận ngày nay
(1956 - 1976). Dưới chế độ Việt Nam cộng hòa, từ một sắc lệnh ký ngày 25/10/1956
tỉnh Bình Tuy được thành lập gồm một phần đất của hai huyện Hàm Thuận, Tánh Linh
và một phần đất của hai tỉnh Long Khánh, Lâm Đồng lúc bấy giờ. Nhiều câu hỏi địa
danh tỉnh mới này tại sao là Bình Tuy, mang ý nghĩa gì? Đối với Ngô Đình Diệm -
Tổng thống đệ nhất Việt Nam cộng hòa vốn là người được hấp thụ nhiều Tây học
nhưng cũng chịu ảnh hưởng nền giáo dục Nho giáo của gia đình, cho nên quyết định
một tên tỉnh mới phải có lý do nào đó.
|
Mũi điện Kê Gà. Ảnh: Ngọc Lân |
Thời ấy, Bình Tuy có một vị trí
chiến lược quan trọng về quân sự và kinh tế, là địa bàn án ngữ phía Bắc miền
Đông Nam bộ, nối dài từ vùng núi cuối dãy Trường Sơn đến bờ biển Đông. Có người
suy diễn tên tỉnh Bình Tuy là ghép tên tỉnh Bình Thuận và Phước Tuy bởi liên
quan đến phần đất của hai tỉnh này. Thực ra tỉnh Phước Tuy (phần lớn là đất tỉnh
Bà Rịa - Vũng Tàu hiện nay) được thành lập cùng lúc với tỉnh Bình Tuy, nguyên từ
phủ Phước Tuy dưới thời Minh Mạng thứ 18 (1837). Như vậy cách giải thích đó
không mấy thuyết phục.
Khi tỉnh Bình Tuy mới thành lập, tuy
đặt tỉnh lỵ tại La Gi nhưng chính quyền lúc đó lấy địa bàn vùng núi đang còn
hoang sơ để hình thành các khu dinh điền với quy mô đầu tư hạ tầng rất lớn, quy
tập cư dân các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi… từ miền Trung đến đây lập nghiệp. Các
xã Võ Đắc, Võ Xu, Sùng Nhơn (Đức Linh) và Nghị Đức, Huy Khiêm, Bắc Ruộng, Đồng
Kho (Tánh Linh) ngày nay có từ thời kỳ đó. Hơn ai hết, Ngô Đình Diệm từ năm 1929
dưới triều Nguyễn được bổ nhiệm làm Tỉnh trưởng Bình Thuận đã biết khá rõ về
tiềm năng thiên nhiên của vùng đất này. Bởi trước đó, năm Tự Đức thứ 30 (1877)
đã cử doanh điền sứ Nguyễn Thông đi khảo sát miền núi phía Tây Nam Bình Thuận.
Qua “Nghỉ thỉnh thượng du đồn khẩn nghi sớ” càng thấy ở đây là một vùng đất trù
phú, mênh mông rộng trên 3.000 mẫu, nằm cặp theo dòng sông La Ngà và các đầm, hồ
lớn Biển Lạc, Đồng Kho… Đây là bản địa của người dân tộc S’tiêng, Chơ ro… cho
nên các địa danh từ tiếng dân tộc chuyển sang chữ Hán Việt bị thay đổi khá
nhiều. Khi mãi tìm nguồn gốc địa danh Bình Tuy thì may sao trong bài biểu về
khai khẩn đồn điền, Nguyễn Thông có ghi “Thần Nguyễn Thông từ phía Tây sông La
Ngư xuôi xuống bờ sông phía Bắc qua Bác Dã (Bắc Ruộng), bờ phía Nam qua cửa Biển
Lạc (Lạc Dã). Mé dưới là sông La Ngà. Còn mé thượng lưu thì qua Chu Lư, Ba Kế,
Côn Hiên, Đại Đồng đến sông Thang, tiếp giáp với xã Cao Cương, tổng Bình Tuy
thuộc hạt bên kia” (ý nói thuộc Đồng Nai Thượng). Như vậy địa danh Bình Tuy đã
là một đơn vị hành chính cấp “tổng” hồi đó. Liên hệ địa bạ tỉnh Biên Hòa, trước
năm 1836, các thôn, sách Định Quát (sau là Định Quán), Cao Lang, Gia Canh, Thuận
Tùng, Túc Trưng, Vĩnh An thuộc tổng Bình Tuy, huyện Phước Bình. Đến năm 1899,
tổng Bình Tuy nhập vào tỉnh Đồng Nai Thượng. Điều này càng được xác lập rõ hơn ở
bản đồ Province de Bình Thuận - năm 1910 (phần phía Tây Tánh Linh và Nam Đắc
Lắc) có thể hiện địa danh Bình Tuy nằm bên bờ sông La Ngà thuộc tỉnh Bình Thuận.
Theo Đại Nam nhất thống chí (Bình Thuận), năm Thành Thái 13 (1901) trích 2 tổng
Cam Thang, Ngân Chử của huyện Tuy Lý đặt làm huyện này (tức Tánh Linh, trước đó
là thôn Tấn Linh) để thuộc vào tỉnh Đồng Nai Thượng. Đến năm 1924, làng Định
Quán vẫn còn thuộc tổng Bình Tuy thuộc tỉnh Đồng Nai Thượng.
Nói về tên gọi Bình Tuy đối với một
vùng đất có ý nghĩa yên bình cũng phù hợp nhưng để đặt cho một tỉnh thì địa danh
Bình Tuy có từ một tổng lâu đời nằm ở vị trí trung tâm tiềm năng thiên nhiên và
có tầm chiến lược để phát triển là lý do để Ngô Đình Diệm chọn lựa.
Đến bây giờ vẫn còn một lớp người
mang tên nơi chốn chào đời trên giấy khai sinh của mình gắn với địa danh Bình
Tuy và người xa xứ ngày nào cũng còn mãi hoài niệm về Bình Tuy… một địa danh
mang nhiều cung bậc trong ký ức một thời.
PHAN CHÍNH