Giậu từ bi
Giậu từ bi
BT- Ai về lại đảo, lên Cao Cát
Nhìn đá Từ bi xước gió chiều
Gió. Những dấu hằn của gió có mặt khắp nơi trên đảo, từ giậu từ bi ràng rịt,
giằng néo vào những khối đá đen đến những hòn những dãy đá xước, đá băm, đá
quặn, từ Bãi Nhỏ, Triều Dương đến Linh Sơn, Long Hải. Và cơn gió nào còn để lại
những vết thương mới vừa “làm da” lành lặn sau hơn bốn mươi năm?! Đứng trên núi
Cao Cát nhìn xuống còn thấy mộ của những con người cùng bà con dòng tộc, cùng
nội ngoại bốn bên, giờ mờ mờ lặng yên những vành ngói đỏ, lặng yên trong hoàng
hôn an bình, lặng yên như một thông điệp vĩnh cửu, lặng yên nhưng đã nói lại với
con cháu đời sau thật nhiều điều.
Những giậu rào cây từ bi lần hồi được thay bằng rào xây, bằng những hoa văn bê
tông cốt sắt nhưng trong ký ức của bao thế hệ người dân đảo Phú Quý, hình ảnh ấy
không bao giờ phai, nó là sợi dây gai đan võng gắn với tiếng nôi, nó cùng một,
cùng quyện hòa với lời hát ru của bà, của má, cùng tạo nên ký ức thương thuộc
hồn cốt máu thịt của bao đời ngư phủ. Nó được làm bằng một giống cây lạ lùng có
tên từ bi hoặc mẫu kinh, hoàn kinh, ngũ trảo, chân chim… là loại dược liệu để
xông trị cảm ho những ngày trở gió, là thứ nhai nuốt để giải nọc độc rắn rít, là
thuốc đắp bó mỗi khi đau khớp trật chân, là loại tiểu mộc thân dai, nhiều nhánh
nhóc để làm giậu rào, làm củi đun. Mỗi dịp cuối năm, từ tháng mười một trở đi,
bông từ bi nở trắng từng luồng, từng hàng hai bên đường dốc, nở thơm quanh từng
mảnh vườn nho nhỏ từ rìa đảo sầm uất đến đồi núi lổn nhổn đá trên cao. Và đương
nhiên nó còn ngan ngát trong từng ngăn hộc ký ức của mỗi người dân cù lao Khoai,
Cù lao Thu hay tên mới là đảo Phú Quý này.
Mẹ Phửng năm nay đã ngoài bảy mươi kể lại: “Ở đảo đây, hễ gió là gió cả ngày cả
đêm chớ không buổi không giấc như đất liền. Lúc nào cũng phải dòm chừng mấy bó
từ bi khô làm hàng rào, phải siêng coi lại dây thừng néo vào cục đá. Gió thổi
nghiêng được mấy bó từ bi là thổi xẹp luôn cả hàng, giậu rào từ bi xẹp xuống là
cây cối xơ rơ xác rác, te tua, cát thốc vào tận giường ngủ…”
Ông Văn Thành Văn, một Việt kiều Úc về đảo cùng với tôi trên chuyến tàu cao tốc
Hưng Phát 26 cho biết: “Xa Phú Quý nhớ nhất là cái luật bất thành văn mỗi khi
tết nhứt, mùng một Long Hải, mùng hai Ngũ Phụng, mùng ba Tam Thanh, tức là mùng
một tết, dân Long Hải không được đi đâu để ở nhà tiếp khách, dân ở Ngũ Phụng,
Tam Thanh sẽ đến Long Hải thăm viếng và cứ lần lượt theo thứ tự như vậy cho đến
hết tết. Cái nhớ thứ hai là những giậu rào cây từ bi, hoặc khô hoặc tươi nhưng
nhà nào cũng có, bức phên chắn gió cát là chính chớ có rào ai chi, dân đảo hiền
lành tử tế, ai lấy gì của ai đâu mà rào. Từ bi khô chặt về bó lại từng lọn, kết
thành hàng, đất cát gió thổi mạnh là trốc nên không chôn chặt được, phải néo vào
đá để giữ. Rào từ bi tươi tự mọc, mình không chặt phá là tự nó kết thành luồng,
vừa là hàng rào vừa là rặng cây thuốc để xông, bóp mỗi khi trái gió trở trời…”
Năm nay, những chuyến tàu chở dòng người về quê hương đều đặn tấp vào cảng Phú
Quý, hai tàu Bình Thuận 16, 18 và Hưng Phát 26 luân phiên vào ra liên tục. Năm
nay, khách du lịch đến với đảo tăng nhiều lần so với trước, và nhiều người
trong họ có ước muốn tìm hiểu cây từ bi là thế nào? Hai tiếng từ bi bây giờ đã
thuần hiểu theo đúng nghĩa chữ của nhà Phật như tên mới dãy đá sau chùa Linh Sơn
có người gọi là đá Từ bi; khổ đau, xót thương không còn là một định mệnh, tình
yêu thương trong nghĩa ấy chính là sức mạnh của hỷ vô lượng, một loại tâm thức
vui mừng hân hoan, của xả vô lượng, một loại tâm thức trong sáng, bình đẳng. Ấy
cũng là khát vọng, là ước mơ của người dân đảo nhiều đời nay vậy.
Tạp văn của NguyỄn HiỆp