Tắm táp tinh thần

 Tắm táp tinh thần

BT - Tháng giêng run như ai vừa mới cưới

Bước ra chào hàng họ kín hai bên

Mùa giêng. Tháng giêng. Giêng hai. Cái se lạnh dịu dàng quấn quýt đến mức giữa trưa vẫn còn người khoác áo gió, áo len. Và những cơn mưa bất chợt nữa, không chỉ miền Bắc mới mưa mùa này, trời phương Nam cũng có những đổi thay dần theo đúng nhịp bốn mùa. Dường như không khí tết nhứt còn bịn rịn chưa muốn rời đi. Mỗi năm một kỳ trời đất hòa điệu cùng con người cho trọn vẹn cuộc tắm táp tinh thần cần thiết, để rồi sau đó người người lại bước vào những tháng ngày bươn chải, cạy cục với miếng cơm manh áo, với bộn bề lo nghĩ, lo toan, lo lắng, những thứ lo tạo nên cuộc sống này.

Coi như một điểm nút giao hòa, nơi cho người ta quay về, tạm gác lại mọi thứ.

Coi như giáp một vòng ngăn ngắn đủ để ai đó nhìn lại bên trong mình và nhìn cả mình trong các mối quan hệ. Cái nhìn ủ ấm tâm hồn ấy cũng chính là những lắng đọng làm trong bớt một khúc đoạn làm người.

Lễ Núi Bà Đen (Tây Ninh) diễn ra vào ngày  18 - 19/1 âm lịch - ảnh minh hoạ.

Ông bà mình đã truyền đời cái nhận xét đố sai bao giờ: Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Có những cuộc “tắm táp” đau rát, nhọc nhằn thì cũng có những cuộc “tắm táp” mến thương, sâu lắng, nhẹ nhàng. Giờ đây, hiếm có những cuộc tắm cuối năm được chuẩn bị chu đáo theo nghĩa đen như ngày xưa, với những bó hương nhu, những bó lá thơm nấu nước vào thời khắc chiều tối ba mươi đúng nghĩa. Rất đơn giản, ngày nay người ta cho qua những thứ như là nghi lễ ấy, chỉ cần những phút giây ngồi lại bên người thân yêu nhất của mình bày tỏ vài điều mà mình đã đau đáu cả năm qua. Thậm chí là chỉ ngồi yên nhìn nhau, lời của đôi mắt cũng có thể làm được điều kỳ diệu giúp buông xả hết những chấp nhứt kéo dài, hóa giải hết những muộn phiền mang nặng. Nhà bà Chín Rớt nóng lên với chuyện đất cát ông bà để lại chia cho người nhiều, kẻ ít. Chuyện gia phả dòng họ có nên ghi thêm chức vụ ngoài xã hội hay chỉ thuần vai vế họ tộc, đó là vấn đề cần có quyết định dứt khoát của dòng họ Lê ở xóm trên, vì qua cuộc chiến, người trong dòng họ này theo cách mạng cũng nhiều mà đi lính Cộng hòa cũng không ít. Chuyện hốt cốt xây mộ lại cho ông bà nội ngoại được con cháu nhà ông Giáo Thứ bàn luận râm ran và được quyết định bởi đứa cháu làm ăn khấm khá, con của bác cả. Chuyện nhà cô Thọt nhìn đơn giản mà cam go, vì nạnh hẹ, người này nhìn người kia, chỉ có bữa cơm đầu năm này mọi người mới cùng đi đến quyết định ổn thỏa, anh chị em mỗi người mỗi tay cùng lo cho ba má tuổi đã về chiều. Chuyện cùng có trách nhiệm với thằng em con ông chú đua đòi ăn chơi bỏ học là chuyện họ hàng nhà anh Tám Cù Là. Và nữa, chị Linh đã hứa với bà Bảy Xôi mỗi năm sẽ về thăm bà hai lần… Tất cả, từ lớn lao đến vụn vặt, từ chuyện ơn nghĩa đến việc tương lai đều được ngồi lại bàn bạc, cùng giải quyết, cùng giải thích đả thông cho từng người… Một góc khác của văn hóa tết gắn với mùa giêng, tháng giêng, giêng hai là vậy. Chính nhờ tập quán cùng giải quyết những chuyện chung của dòng họ, của gia đình trong những ngày đầu năm này mà cuộc sống làng mạc xưa nay cứ yên ả, vững bền qua năm tháng.

Tháng giêng vì vậy không chỉ là “tháng ăn chơi” như một câu vè gây nhiều hiểu lầm. Sự minh triết của đời sống chính là sự sắp xếp lại, làm sạch lại những giá trị đời sống vào thời điểm bắt đầu cho một vòng quay 365 ngày. Đó là việc giao phó vị trí hoa tiêu cho sự trong sáng, chính trực của người trưởng tộc, người chủ gia đình, thậm chí cho một người vai vế thấp nhưng uy tín cao. Ánh sáng minh triết của đời sống mộc mạc ấy chính là sự ngăn chặn cái xấu, xu hướng hướng lười biếng và cả bóng tối u mê lan rộng. Và sự minh triết giêng hai ấy còn dành chỗ cho những bù đắp tình cảm, những ấm áp có dịp san sẻ, những kế tục sẽ được tỏa sáng. Vậy đó tất cả đều vừa đủ cho một cuộc tắm táp tinh thần đầu năm.

Nguyễn Hiệp