Tết Đầu lúa năm nay ở Phan Lâm

Tết Đầu lúa năm nay ở Phan Lâm

BT- Sự đặc sắc ấy không chỉ vì những khác biệt hấp dẫn trong đời sống văn hóa của người Rắc Lây, K’ho mà còn vì độ hiếm của nó. Hiện Tết đầu lúa chỉ có ở Bắc Bình…

Đêm hội của Tết đầu lúa. Ảnh: N.Lân

Hết hạn gắt đầu năm, lại bị ngập lụt vì những cơn mưa dầm trong tháng 9,10 khiến tình hình sản xuất của Phan Lâm - Bắc Bình bị thất thu. Dù vậy, cây lúa mẹ trồng trên nương cao dài khoảng 6 tháng không bị ảnh hưởng mấy nên những ngày này, nhà nào cũng có gạo thơm đặc trưng để dành ăn tết. Gạo lúa mẹ có thể là nguyên liệu chế biến của khá nhiều thức ăn, nước uống đặc trưng của người Rắc Lây, K’ho trong thời gian tết. Gạo để nấu cơm cúng dâng lên ông bà tổ tiên. Gạo để làm các loại bánh. Gạo để làm rượu nếp…Và gạo để làm rượu cần. Nhà ai nghèo đến thế nào cũng gắng làm ché rượu cần để tết đãi bạn bè, láng giềng. Người già trong làng cho biết, đối với người K’ho, Rắc Lây, rượu cần vừa giữ vai trò hiến dâng lên các vị thần linh, vừa là sản vật giao tiếp giữa con người với nhau và là “cầu nối” truyền đạt tâm tư nguyện vọng của con người với đấng tối cao. Vì vậy, không có rượu cần thì không có lễ hội và văn hóa dân gian đặc sắc của đồng bào dân tộc cũng thiếu phần thi vị hơn. Vì thế, dù kỹ thuật sản xuất lúa nước đã tràn lên vùng cao này từ nhiều năm trước, diện tích trồng lúa của bà con đã tính trên con số trăm ha nhưng mỗi nhà ở đây đều dành ít nhất nửa sào hoặc một sào để trồng giống lúa mẹ. Lúa thu hoạch về, giã ra gạo rồi để dành dùng trong thời gian ăn tết đầu lúa, thường là kéo dài 1 tháng nằm trọn trong tháng chạp, tháng giáp tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam. Năm nay, những nhà có nguồn thu trong năm khấm khá đã tổ chức ăn tết lai rai từ ngày đầu tiên của tháng chạp cho đến nay. Cứ hôm nay nhà này cúng, mời nhà kia. Hôm sau nhà kia cúng thì mời lại…

Tết đầu lúa của người Rắc Lây, K’ho chính thức bắt đầu với sự tôn nghiêm nghi thức cúng, với sự rộn ràng của múa hát, của những trò chơi dân gian. Năm nay, xã Phan Lâm đăng cai tổ chức Tết đầu lúa nên mọi hoạt động chuẩn bị cho thời khắc của ngày 15 tháng chạp bước qua trở nên nhộn nhịp. Ngoài các nghi thức cúng lúa mẹ, điều người dân háo hức hơn cả là mục thi thố các trò chơi dân gian như gùi nước tiếp sức, đẩy gậy, đi cà kheo… giữa 4 đội của 4 xã. Không khí vui chơi tết nhứt là ở đây, thi đua thắng thua giữa 4 xã cũng ở đây.Tết đầu lúa năm ngoái, Phan Sơn đã đăng cai. Lùi 2 năm trước đó thì Phan Điền, Phan Tiến.

 Theo những người từng tham gia nhiều cái Tết đầu lúa, trước đây mỗi xã tự tổ chức tết nên rời rạc, cách chia, Tết đầu lúa cũng không nổi bật. Sau này, nghe nói từ năm 2010, 4 xã gồm Phan Lâm, Phan Sơn, Phan Tiến và Phan Điền thống nhất mỗi năm, từng xã đăng cai tổ chức. Nhờ thế, Tết đầu lúa được nâng tầm trên mọi mặt và qua đó còn gắn kết giữa các xã, tạo không khí ganh đua hữu ích. Nhờ vậy, Tết đầu lúa đã trở thành nét đặc sắc trong văn hóa Bình Thuận. Sự đặc sắc ấy không chỉ vì những khác biệt hấp dẫn trong đời sống văn hóa của người Rắc Lây, K’ho mà còn vì độ hiếm của nó. Hiện chỉ ở Bắc Bình còn lưu giữ và phát triển lễ hội tết đầu lúa.

HẢo Chi