Lan rừng giữa núi
Lan rừng giữa
núi
BTO - Những ngày cuối năm, công
việc quản lý, bảo vệ rừng, trồng rừng lại càng bận rộn hơn. Còn ít thời gian
rảnh ngoài giờ làm việc, ngoài đọc báo, xem phim qua Internet, niềm đam mê của
họ chính là vào rừng tìm hoa lan về tạo cảnh quan.
Cách nhà hàng chục cây số, nơi
làm việc nằm lọt thỏm giữa bốn bề núi rừng sâu thẳm - đó là cuộc sống của những
công nhân tại Trạm lâm nghiệp đường sắt (xã Mương Mán), đơn vị trực thuộc Xí
nghiệp Lâm nghiệp Hàm Thuận Nam. Cuối năm, trong khí trời se lạnh, cuộc sống bộn
bề nơi đô thị càng trở nên náo nhiệt hơn. Còn chúng tôi lại “tách” mình đi lên
vùng núi rừng trong trẻo này. Để ghé thăm Trạm lâm nghiệp đường sắt, chúng tôi
phải vượt qua đoạn đường lầy lội, gập ghềnh mới đến nơi được. Ngôi nhà nhỏ đơn
sơ xuất hiện trước mắt. Trạm chỉ có 3 công nhân đang say mê làm việc, đi đi, về
về để kiểm tra, quản lý khu rừng. Ngạc nhiên nhất là bao quanh ngôi nhà, anh em
ở đây treo khá nhiều giỏ lan rừng đang khoe sắc, mùi thơm nhẹ lạ. Tò mò, tôi hỏi
anh Võ Toàn - phó trạm thì được biết, thỉnh thoảng anh em vào rừng gặp được giò
lan đẹp lại mang về cho vào chậu để chưng. Mấy người khác, người thì chơi chim,
người nuôi gà, nuôi chó, còn riêng anh Toàn lại đam mê lan rừng hơn một năm nay.
Anh Toàn và giò hoa
lan đang khoe sắc. |
Hỏi chuyện, anh Toàn chia sẻ:
Nhà ở tận thị trấn Tân Minh, cách chỗ làm 60 cây số. Cứ khoảng 2 - 3 ngày anh
lại chạy xe máy về thăm nhà một lần. Anh Toàn đã có thâm niên gần 20 năm gắn bó
với nghề rừng, nên gần như thông thuộc mọi địa hình hiểm trở ở đây. Tay cầm giò
lan đang nở đẹp nhất trên tay, anh chỉ cho chúng tôi biết sự khác nhau giữa lan
rừng và lan bình thường. Theo anh Toàn, lan rừng mọc trên cây tự nhiên. Sau khi
hái về sẽ được cấy lại vào chậu. Lan rừng thường có mùi thơm hơn lan thường,
hình dáng có vẻ cằn cỗi, không đẹp mã như lan thường nhưng có vẻ rất phong trần.
Những ngày cuối năm này, anh
đang tìm những chậu đẹp, cấy lan rừng đặt vào phòng làm việc để chưng tết, số
cây còn lại treo ngoài sân để tạo cảnh quan, ngắm nhìn thư giãn những lúc mệt
mỏi. Thấy chúng tôi có vẻ mê mấy giò lan rừng, anh Toàn cười khà và giới thiệu
thêm: Mỗi giống lan rừng có một quá trình sinh trưởng và phát triển khác nhau
nên sẽ có những nhu cầu về nước tưới và phân bón khác nhau. Do đó, khi tưới nước
cho các loài hoa lan rừng cần chú ý, nếu thấy chất trồng của lan còn ẩm không
nên tưới nước, tưới ngày 2 - 3 lần vào sáng sớm hoặc chiều mát. Nếu trong ngày
nắng, nóng và gió nhiều thì tăng thêm lần tưới, nhưng tưới thật đậm, nếu không
ánh sáng sẽ làm cháy lá cây. Có thể dùng vòi phun sương nhẹ và phải di chuyển
qua một lượt rồi tưới trở lại để cho thấm đều vào chất trồng. Quá trình chăm sóc
cho lan là một việc không hề dễ tùy vào chủng loại lan, môi trường địa lý và
ngay cả mục đích thúc cây ra hoa vào thời điểm định sẵn sẽ ảnh hưởng đến việc
tưới nước cho hoa sao cho hợp lý. Theo kinh nghiệm của anh Toàn, tưới nước tốt
nhất cho lan rừng là vào buổi sáng sớm và chiều muộn, không nên tưới nước vào
buổi trưa nắng. Tuy nhiên cũng cần lưu ý vào thời tiết lúc ấy như thế nào, mùa
nắng nóng hay mưa để tiến hành điều chỉnh lưu lượng nước tưới thích hợp.
Chiều muộn. Khi những cây lan
rừng đang được đẫm mình trong hơi nước mát dịu, cũng là lúc chúng tôi chia tay
anh em công nhân của Trạm lâm nghiệp đường sắt. Dẫu môi trường làm việc có buồn,
vắng vẻ thế nào đi nữa, nhưng chính những đam mê, những thú chơi tao nhã của họ
đã khiến cuộc sống giữa núi rừng thêm vui, ý nghĩa, nhất là khi chúng lại mang
hương sắc xuân về giữa vùng núi rừng này.
Kiều Hằng