Phan Rí Cửa
Phan Rí Cửa (Tuy Phong): Nâng tầm lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương
BT- Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang thực hiện Đề án nâng tầm lễ hội Giỗ Tổ
Hùng Vương tại thị trấn Phan Rí Cửa thành lễ hội cấp tỉnh. Nếu hoàn thành và
được chính thức triển khai, lễ hội này sẽ góp phần tạo điểm nhấn về văn hóa, du
lịch của khu vực phía Bắc tỉnh.
|
Bên trong điện thờ của di tích Đền thờ Hùng
Vương tại Phan Rí Cửa. |
Đền thờ Hùng Vương tại thị trấn Phan Rí Cửa là một di tích văn hóa lâu đời của
cư dân trong vùng. Được tạo lập từ khoảng thế kỷ thứ 19 do người dân lập nên
với chức năng ban đầu là nơi thờ phụng Thành hoàng Bổn cảnh và các bậc tiền
nhân, hiền tài đã có công khai khẩn đất đai, thành lập thôn làng tại khu vực
Phan Rí xưa. Đến năm 1958, người dân Phan Rí mới đưa tín ngưỡng thờ cúng Hùng
Vương vào thờ cúng chính và mang tên gọi như hôm nay.
Toàn bộ công trình theo lối kiến trúc nghệ thuật dân gian: với kiểu nhà kép (nhà
trước và nhà sau), có hai mái trên một nền được nối với nhau bằng trần vòm mai
cua dưới máng nước, tạo không gian nội thất liên tục, rộng rãi, thông thoáng.
Toàn bộ đền tạo dựng từ hệ thống cột bằng gỗ với 4 cột chính và nhiều cột phụ
ngang dọc. Hai đặc điểm trên được gọi là “trùng thiềm điệp ốc” và “tứ trụ”, một
kiểu kiến trúc đặc trưng thuộc thế kỷ 18 – 19. Bên trong di tích này vẫn còn lưu
giữ nhiều hiện vật có giá trị như: đại hồng chung, khám thờ, hương án, bát bửu,
hoành phi, câu đối và nhiều tư liệu Hán Nôm quý. Theo Sở VH,TT&DL, đây là đền
thờ Quốc tổ duy nhất tại tỉnh Bình Thuận còn lưu giữ được nhiều giá trị lịch sử,
văn hóa và kiến trúc nghệ thuật, mang đậm dấu ấn của thời kỳ mở mang bờ cõi của
dân tộc.
Trong những năm qua, đền thờ là địa điểm tâm linh quan trọng của người dân trong
vùng. Đặc biệt, mỗi dịp Giỗ Tổ Hùng Vương, chính quyền địa phương cùng ban quản
lý đền tổ chức nhiều nghi lễ như cung nghinh tiền hiền, rước kiệu, dâng hương,
tế sơ cổ lễ, cầu an, cầu siêu, nghi lễ Đại tế - Cổ lễ cùng các hoạt động văn
hóa, thể thao vào hai ngày mùng 9 và 10/3 âm lịch hằng năm theo tập tục của
người dân địa phương.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hạnh - Phó GĐ Sở VH, TT&DL: Các địa phương khác trong tỉnh
vẫn có những công trình thờ tự Hùng Vương và duy trì việc Giỗ Tổ hàng năm, nhưng
đặc sắc và tiêu biểu nhất vẫn là tại thị trấn Phan Rí Cửa. Nhận thức được tầm
quan trọng của tín ngưỡng truyền thống quan trọng này, ngành văn hóa phối hợp
huyện Tuy Phong nâng tầm từ lễ hội mang tính chất địa phương phát triển quy mô
thành lễ hội cấp tỉnh. Nếu đề án thông qua và thực hiện, dự kiến mỗi năm sẽ có
sự tham gia của 2 huyện, thị xã, thành phố cùng với Tuy Phong tổ chức các nghi
lễ, hoạt động văn hóa, thể thao, tạo điều kiện để con cháu cộng đồng các dân tộc
đang sinh sống và làm việc tại Bình Thuận tụ hội về. Đề án sẽ được lấy ý kiến
người dân và các cơ quan, ban ngành, đoàn thể nhằm hiến kế để hoàn chỉnh và có
tính khả thi.
Trong năm 2016, Bình Thuận là một trong 3 địa phương phối hợp với tỉnh
Phú Thọ tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng cấp quốc gia. Sau lễ
hội, Bình Thuận được nhận và thỉnh rước “đất, nước, chân hương” từ Đền
Hùng về và đã tổ chức lễ an vị tại di tích Đền thờ Hùng Vương (Phan Rí
Cửa) vào ngày 4/6. |
H.Đ