Đờn ca tài tử - cải lương đang d

Đờn ca tài tử - cải lương đang dần trẻ hóa

BT- Thu hút hơn 150 nghệ nhân, nghệ sĩ đến từ 13 nhóm đờn ca tài tử - cải lương ở một số địa phương trong tỉnh về tham dự, Hội thi đờn ca tài tử - cải lương lần thứ 4 năm 2016 đã mang một sức sống mới, một hơi thở mới - hơi thở của những giá trị văn hóa truyền thống  được vun đắp bằng đam mê và trẻ hóa.

Bảo tồn

Dù đờn ca tài tử - cải lương chẳng còn được các thế hệ trẻ yêu mến, cũng chẳng còn nằm trong những chương trình lớn để phục vụ cho công chúng, thì sức sống của loại hình nghệ thuật này vẫn cứ tồn tại theo cách của riêng mình, bình dị và giản đơn đến mức có thể. Đờn ca tài tử cải lương có sự mặn mà trong thanh âm của ngũ cung, của những sắc thái buồn vui trong lao động, của những thăng trầm thời cuộc, được gói ghém cẩn trọng theo từng lời ca của Nam ai, Vong Kim Lang, của phụng hoàng...

Trong 3 ngày diễn ra Hội thi Đờn ca tài tử - cải lương tỉnh Bình Thuận lần thứ 4, chắc chắn ai yêu đờn ca ca tài tử - cải lương sẽ trải qua những cung bậc của xúc cảm theo từng ngón đàn, lời ca của các nghệ nhân, nghệ sĩ ở vào tuổi thất thập. May mắn ở hội thi lần này đã có sự kế thừa của ít ỏi nghệ sĩ trẻ, có đam mê, biết trân trọng vốn quý văn hóa dân tộc như Khánh Luân, Văn Lướt, Minh Luân, Phúc Nhân, Duy Thái... đã chiếm trọn tình cảm công chúng yêu mến loại hình nghệ thuật cổ truyền đến thưởng thức.

Với 13 nhóm đờn ca tài tử - cải lương  trong toàn tỉnh, khác biệt ở chỗ, đây là những nhóm tự phát, có chung niềm đam mê kết nối với nhau qua tiếng đàn, lời ca như Cầu Nối (TP. Phan Thiết), Hồng Huệ, Ánh Sáng (TP. Phan Thiết) hay như nhóm Phước Thể (Tuy Phong), Bách Hợp (Liên Hương), Trường Hoa Tín (Bắc Bình)...Và dường như đây không còn là hội thi nữa, mà chính là sự khát khao thể hiện, khát khao có được sân chơi để bộc bạch, để chia sẻ và để thấy rằng đờn ca tài tử - cải lương vẫn như mạch ngầm nuôi dưỡng tâm hồn con người, nhất là những người quanh năm lao động, buôn bán mưu sinh. “Cô mê lắm, mê rồi thì tập hát, tham gia với anh em. Chứ giờ già rồi, lấy đó giải trí tinh thần. Mỗi lần tham gia tập hát, mỗi lần được hát cô thấy vui lắm. Con thấy cô hát được không? Nhiều cháu hát hay mà trẻ nữa, cô thấy vậy là hay đó, tụi nó mê là được, chứ riết không còn ai ca nữa uổng quá” - cô Sen ở Bắc Bình chia sẻ.

Mặc dù, Bình Thuận không phải là vùng đất sản sinh ra loại hình nghệ thuật đăc biệt này, nhưng đờn ca tài tử - cải lương lại gắn bó với người dân từ rất lâu đời. Với nội dung ca ngợi lòng yêu nước, yêu quê hương, quyết tâm bảo vệ quê hương, chủ quyền biển đảo, ca ngợi truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, biểu dương những thành tựu lao động, gương điển hình trong lao động sản xuất. Qua đó, phản ánh những thành tựu của quê hương Bình Thuận trong sự nghiệp đổi mới và hội nhập... đẩy lùi những hiện tượng tiêu cực trong xã hội như lãng phí, tham nhũng, quan liêu...”. Có thể nói hội thi đờn ca tài tử - cải lương đang được gầy dựng không chỉ để bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống, mà còn vực dậy phong trào ca hát bình dị gắn bó với đời sống người lao động chân chất từ nhiều năm nay. Từ hội thi sẽ phát hiện và bồi dưỡng những tài năng trẻ, những giọng ca có tiềm năng về ca diễn để phát huy và bảo tồn loại hình văn hóa phi vật thể đã được công nhận” - ông Đặng Lê Thế Phi - thành viên Ban tổ chức cho biết.

 Trẻ hóa

Loại hình nghệ thuật đờn ca tài tử - cải lương vốn dĩ bình dân và mộc mạc, nên những nghệ nhân, nghệ sĩ tìm đến cũng từ nhiều ngành nghề khác nhau: buôn bán, tài xế, nội trợ hay công chức đều hết mình trên sân khấu, trong lời ca... Chính vì thế, mỗi nhóm đã tự xây dựng chương trình với nhiều thể loại như đơn ca, song ca, song tấu, độc tấu, cải lương (ca cảnh, trích đoạn, hoặc chập cải lương, bài bản)... Ngoài những bài bản, những bài ca cổ, thích thú nhất vẫn là xem những nghệ sĩ “bình dân” ấy diễn. Chân chất, đơn phương nhưng cũng rất xuất thần, một Hồng Huệ trong “Bình Tây đại nguyên soái” - mang một cảm giác bức bách cùng cực được đẩy lên cao trào hóa thành ngọn lửa sục sôi ý chí giết giặc báo thù cho chồng con và trên hết giết thù cho cho quê hương. Hay một Tôn Tuyết Liên lần đầu tiên chạm ngõ với đờn ca tài tử đã hóa thân thành thục trong “Tiếng trống Mê Linh”  thuở nào. Lửa - chính ngọn lửa đam mê đã hun đúc tinh thần mộ điệu đến tận cùng.

Liên hoan đã khép lại với huy chương vàng toàn đoàn thuộc về các nhóm đờn ca tài tử - cải lương Hồng Huệ (TP. Phan Thiết), Bách Hợp (Liên Hương, Tuy Phong), Trường Hoa Tín (Bắc Bình), nhóm đờn ca tài tử Huyện Thuận Nam. Các nhóm Cầu Nối (TP. Phan Thiết), Cát Trắng (Hàm Thuận Bắc), Phước Thể (Tuy Phong) đã đạt huy chương bạc. Huy chương đồng thuộc về nhóm đờn ca tài tử Ngọc Đảu (Tuy Phong), Ánh Sáng (TP. Phan Thiết), Võ Xu (Đức Linh), Duy Thái (Tuy Phong), CLB Đức Linh. Ngoài ra, trong cuộc thi đã tìm ra những gương mặt xuất sắc trong ca diến, dàn dựng đó Hồng Huệ, Trung Thiện, Tôn Tuyết Liên... Đây có thể là những hạt nhân nòng cốt cho đờn ca tài tử - cải lương, khi loại hình này đang dần thiếu vắng khán giả. 

Quang Nhân