Nhớ mùa gặt xa xưa
Nhớ mùa gặt xa xưa
BT- Người đàn ông quá tuổi bảy mươi lững thững bước vào nhà với ánh mắt nửa thân
thiện nửa ngại ngùng. Sau ly trà thứ nhất, ông mới ngập ngừng xin một… tấm hình
của má tôi.
|
Minh họa: Lý Long |
Ông không nói mình là bạn thân của má cũng không giải thích là gì cả, điều mà
tôi đoán ông sẽ nói ra để giải tỏa những thắc mắc của tôi về việc xin tấm hình
có vẻ không bình thường. Ông chỉ kể bâng quơ về những tàu cau, những cuống rạ
trên đồng chiều của những mùa gặt xa lắc xa lơ nào đó. Ông kể về những cơn gió
lay tàu cau làm rụng xuống ngay trước mặt ai đó làm cho người kia thấy được muốn
đứng tim. Ông kể nhiều lần về những rặng cau rễ đâm tràn phủ ra bờ đám ruộng dọc
tạo thành chỗ ngồi nghỉ ngơi ăn uống giữa buổi của đám thợ gặt thợ cấy. Mắt ông
lại sáng lên khi nói đến chiếc hái có móc gỗ ở đầu mòn nhẵn, đỏ au của má, ông
đã giữ và mong đợi đến mùa gặt tới như thế nào. Và ngày đó rạ để lại trên ruộng
cao lắm, phải trục ngâm cho nhũn mục rồi cày lật lên và bừa qua bừa lại mấy lượt
mới cấy tiếp vụ khác. Cuống rạ cao lắm, người ngồi có thể lút trong đó…
Chuyện của ông không cuốn hút được tôi, trong đầu tôi cứ luôn thắc mắc sao lại
xin hình, xin để làm gì, nếu chỉ là bạn bè nhà nông thì làm gì tới mức phải cất
công đi mấy chục cây số để xin tấm hình.
Mà má tôi lại là người ít thích chụp hình chụp ảnh gì, chỉ duy nhất một lần có
người chụp ảnh dạo đến tận nhà mời mọc, tôi thích chí ra sức năn nỉ một lúc má
mới đồng ý chụp tấm ảnh bán thân ngay trước cửa nhà và ngay với chiếc áo bà ba
thâm xám đang mặc. Tôi còn giữ tấm hình đó, định bụng nếu ông già “bạn má” nói
quá thì bỏ vô máy quét giữ lại thành tập tin và tặng tấm hình gốc cho ông, uống
trà mãi không nghe nhắc lại lần nào nữa nên tôi lơ đi.
Nhìn từ phía lưng dáng người cao to khom khom của ông “bạn má” lững thững đi ra
cổng, tôi sực hiểu ông chần chừ nãy giờ là có ý đợi tôi trao bức ảnh của má, đợi
mãi nên đành lòng ra về. Tôi biết nhưng vẫn lơ.
Thời gian và công việc cuốn đi, tôi cũng không hơi đâu mà nhớ chuyện ông già ngớ
ngẩn đi xin hình ấy, có thể là “bạn má”, có thể vượt lên trên ngưỡng ấy, có thể
là người thương của má một thời… Tôi nhớ ngoại tôi thường hay nói: “Má mày đẹp
nhất làng, có duyên lắm nghen, trai đầu làng cuối xóm cứ là lác mắt”. Đó là thời
trẻ. Ai cũng có một thời trẻ mà, nên chuyện có người đàn ông si tình nào đó đến
khi về già, đến khi nửa kia của mình đã về chín suối mà vẫn còn “trồng cây si”
cũng là chuyện bình thường…
Chợt một chiều khi đi làm về tôi nghe tin ông “bạn má”, ông già xin hình ấy vừa
mới qua đời. Tôi đang dắt xe vào nhà chợt sựng lại, bần thần. Sao mới ghé xin
hình mà đã… Có dòng điện lạnh vừa chạy dọc sống lưng, đầu óc tôi rối beng vì vừa
áy náy không đưa tấm hình của má cho ông ấy, ước ao nhỏ bé đơn giản ấy thật
thương, thật tội nghiệp nhưng tôi cũng chợt nghĩ may mà… không thì tấm hình ấy
sẽ mang lại rắc rối cho gia đình người ta, nhất là trong lúc tang gia bối rối.
Tôi quyết định gác công việc để về quê thăm, tiễn ông “bạn má” lần cuối. Đồng
chiều. Mùi ruộng hăng hăng, ngòn ngọt, mát lành. Mùa gặt vừa xong, rơm mới còn
vãi trên đường. Cuống rạ sát mặt nước ruộng, chỉ nhu nhú như những bàn chông sắp
xếp theo từng ô vuông đều đặn trải rộng hết thửa này đến thửa khác, do bây giờ
người ta cắt lúa bằng liềm chớ không gặt bằng lưỡi hái như ngày xưa. Những rặng
dừa, rặng cau ít ỏi còn lại in đường nét mềm mại trên nền trời chiều như bức vẽ
được điểm xuyết thêm ở phần trung cảnh. Chút gì đó yên ả, trù mật, hồn cốt của
làng quê xưa đang ngoắc ngoải, đang trên đà mất dần. Tôi chợt xúc động mạnh khi
đọc hai câu thơ trong tập thơ chép tay của ông già xin hình mà mấy người con của
ông đang chuyền tay nhau:
“Em về, cuống rạ còn tôi
Bơ vơ ruộng dọc nửa đời vẫn ngang”
Đằng sau câu chữ mộc mạc đặc sệt nông dân của ông là cô đơn, là yêu thương và
khao khát yêu thương. Và hình như có sự hiện diện của má tôi trong câu thơ!?
Sau này, một người anh hàng xóm của tôi từ Pháp hồi hương đã ghé thăm, trò
chuyện và đã tâm sự chính anh là “con chim xanh” ngày ấy đưa chuyền những lá thư
tình cho hai người, đó là cuộc tình vụng trộm của người đàn ông đã có vợ và
người đàn bà góa.
Tôi qua rồi cái tuổi ích kỷ, “không đội trời chung” khi nghe má mình có người
tình. Tôi hiểu trong nghịch cảnh ba tôi mất sớm, má có quyền như vậy. Trong
nghịch cảnh, tình yêu ấy chính là nguồn sống của tâm hồn, là điểm dựa để người
ta khỏi ngã và bước tiếp cho trọn kiếp trần ai. Và cả ông già xin hình kia, ông
cũng có quyền mang cả tình yêu của mình bước xuống tuyền đài. Mong rằng những
người con của ông khi biết được sự thật này cũng cùng hiểu và thông cảm cho cha
mình, xin đừng phán xét, cắn đắn mà đau lòng người đã khuất. Với tôi, nếu có
điều đáng tôn trọng hơn cả nơi con người thì đó chính là tình yêu.
Thật ra để chấp nhận người tình của má không dễ chút nào, không phải ngày một
ngày hai mà nhẹ lòng được, nhất là khi đứng trước di ảnh của ba trên bàn thờ.
Với tôi, chuyện xin hình trong những ngày cuối đời của ông già “bạn má” khi má
tôi đã không còn trên trần gian từ lâu như là chuyện trong một giấc mơ. Lén lút
nhưng đẹp. Mộng ảo nhưng rất đời. Tình ấy xa mà rất gần. Thương ấy lặng thầm mà
sâu đậm, thủy chung. Không biết bước chân đưa đẩy thế nào mà tôi lại ra ngồi
đúng bệ rễ cau đâm tràn nơi bờ ruộng dọc. Tôi chợt thèm nghe tiếng xạc xào của
cơn gió lướt trên tàu cau, thèm được thả hồn vào mối tình xưa cũ của má như một
người chứng kiến hiền lành, như một kẻ muốn thoát khỏi những bức bí của đời sống
quá ư mệt mỏi, quá ư ngán ngẩm cảnh những con người chỉ lướt qua nhau mà không
đọng lại gì.
Nguyễn Hiệp