Nâng tầm du lịch Bình Thạnh
Nâng tầm du lịch Bình Thạnh
BT- Vùng đất Tuy Phong
có nhiều di tích và thắng cảnh đẹp như chùa Cổ Thạch, bãi đá bảy màu, hòn Lau
Câu, hồ Sông Lòng Sông… Biển Tuy Phong trong xanh đến lạ kỳ với những bãi cát
dài thoải mịn. Những di tích và cảnh đẹp trên là tiềm năng hiếm có để đầu tư thu
hút khách du lịch các nơi đến tham quan nghỉ dưỡng.
|
Hàng quán tự phát bên bãi biển Bình Thạnh. |
Những năm qua, một số điểm
cũng thu hút khách đến tham quan như khu du lịch Vĩnh Tân, đảo Hòn Cau. Thực
trạng thì không gian để phát triển du lịch trên địa bàn huyện hiện nay chủ yếu
tập trung đầu tư ở khu du lịch Bình Thạnh. Ngoài những lợi thế như di tích Cổ
Thạch tự, bãi đá bảy màu, bãi biển thơ mộng và hạ tầng ở Bình Thạnh những năm
qua cũng được đầu tư một số công trình như hệ thống cấp thoát nước, hệ thống
chiếu sáng, đường nội bộ, bến xe, công viên cây xanh… nhất là tuyến đường Hòa
Thắng – Hòa Phú hoàn thành năm vừa rồi, đã kết nối liên thông tuyến đường dọc
biển từ Mũi Né về khu du lịch Bình Thạnh.
Bình Thạnh cũng rất dồi dào
về các loại hải đặc sản, du khách khó tính cũng phải hài lòng khi thưởng thức
các món ăn như canh chua cá bớp, tôm cua ghẹ còn tươi rói và săn chắc thịt, ngay
cả những con cá liệt dầu vừa đánh bắt được nướng lên ở các hàng quán vẫn có mùi
vị khác biệt hơn ở Phan Thiết. Bình Thạnh còn có loại ớt chim nổi tiếng do hương
vị đặc biệt vừa cay nồng mà không rát. Nhiều du khách đến đây thường tìm mua
loại ớt này, giá thường từ 300.000 – 700.000 đồng/kg. Cũng giống như tỏi mồ côi
ở đảo Lý Sơn, ớt chim Bình Thạnh đang đăng ký để trở thành thương hiệu đặc thù.
Đây cũng là một trong những lợi thế để phát triển dịch vụ du lịch ở vùng đất này
khi sự đầu tư du lịch được nâng lên một tầm mới.
Những ngày đầu tháng 10 vừa
qua, chúng tôi có dịp ghé đến Bình Thạnh, mới thấy để phát triển du lịch ở Tuy
Phong nói chung và Bình Thạnh nói riêng theo định hướng của Nghị quyết Đại hội
Đảng bộ huyện Tuy Phong lần thứ VIII quả thật còn nhiều cái khó. Hiện nay dịch
vụ phục vụ du lịch ở Bình Thạnh đa số đều phát triển tự phát. Nhà nghỉ, hàng
quán mọc tự do không theo hệ thống quy hoạch nào, đã che kín mỹ quan tự nhiên
của biển và thu hẹp lối đi. Giá cả thì “trên trời”, một lon bia Sài Gòn bằng giá
1 lon Tiger ở Phan Thiết (15.000 đồng). Tôi nhớ ngày xưa ở La Gi, một anh bạn
người nước ngoài rủ tôi ngồi chơi ở một quán ven biển. Khi chủ quán tính tiền 1
chai bia Sài Gòn đắt hơn 1.000 đồng so với ở thị xã, anh dứt khoát không thanh
toán. Anh nói ở nước anh mua bán như thế là không hợp lẽ công bằng.
Ghé đến chùa Cổ Thạch, hình
ảnh hàng quán ken dày che khuất những am động hai bên và sự ồn ào của lời mời
mua bán làm mất đi vẻ trang ngiêm của ngôi chùa cổ kính. Chưa nói đến vấn đề
quan trọng là vệ sinh môi trường, nước thải từ các nhà nghỉ xây dựng tự phát sát
bờ biển cho chảy thoải mái ra bãi cát. Về lâu dài, biển dù có trong xanh đến đâu
cũng đổi màu, làm sao thu hút được khách du lịch.
Một lãnh đạo ngành văn hóa
huyện tâm sự: Cái khó nhất trong quy hoạch phát triển du lịch ở Bình Thạnh hiện
nay là vấn để giải tỏa, kinh phí đền bù…
Thế đó! Cái khó nhất để phát
triển du lịch hiện nay là phải “dọn bãi” để nhà đầu tư thấy được cơ hội, mới
chịu bỏ tiền ra, từ đó mới giúp tăng nguồn thu ngân sách. Du lịch ở Bình Thạnh
hiện nay chủ yếu là khách du lịch tín ngưỡng, tìm đến theo mùa, sản phẩm chưa đa
dạng, doanh thu từ nghỉ dưỡng, tham quan chưa cao. Tuy có nhiều tiềm năng nhưng
muốn phát triển du lịch ở vùng đất này thì chính quyền còn nhiều việc phải làm.
Ngoài việc bảo vệ môi trường, đầu tư cho cảnh quan… trước mắt cần phải xây dựng
“văn hóa” du lịch. Trong đó có văn hóa mua bán để tránh làm phật lòng du khách.
HẢi Âu