Mai này có còn đũa buông
Mai này có còn đũa buông?
BT- Sóng lá cây buông màu đen, nâu, độ bền chắc cao nên người dân chọn làm
nguyên liệu để sản xuất đũa ăn cơm. Hiện nay đã hình thành 6 cơ sở sản xuất đũa
cây buông tại thôn 2 xã Suối Kiết (Tánh Linh), giải quyết việc làm lao động nông
nhàn. Tuy nhiên, các cơ sở sản xuất đang đối mặt với tình trạng thiếu nguyên
liệu, giá thành cao.
|
Vót đũa sóng lá buông. |
Thiếu nguyên liệu
Theo người dân, cây buông được thiên nhiên ưu đãi cho vùng rừng núi Suối Kiết,
từ đó nghề làm đũa từ sóng lá cây buông này hình thành hơn 100 năm nay. Cây cứ
lớn, nuôi sống người dân một cách tự nhiên và cứ thế con người khai thác mà
không đầu tư tái tạo, kết hợp việc phá rừng buông làm rẫy, trồng cây công
nghiệp. Tình trạng rừng buông Suối Kiết kiệt quệ, các cơ sở sản xuất tìm mua các
vùng khác trong tỉnh. Và rồi, rừng buông Bình Thuận cũng không còn.
Để đảm bảo cho sản xuất, các cơ sở phải sang Campuchia thu mua lá buông với giá
bán, cước phí vận chuyển… rất cao. Mùa mưa, giá mỗi tấn sóng lá tăng thêm 1
triệu đồng (chưa kể các chi phí khác), nhưng vẫn hút hàng. Người khai thác cây
buông ở Campuchia tranh thủ đi hái măng vào mùa mưa kiếm nhiều tiền hơn, mỗi
ngày thu hái khoảng 1,2 tạ măng, bán giá 5.000 đồng/kg; trung bình thu nhập
500.000 – 600.000 đồng/ngày. Trong khi, cây buông thì dài, kềnh càng mang vác
khá vất vả, đường đi lầy lội mà nguồn thu cũng ít hơn. Chính những người khai
thác này cảnh báo, rừng buông ở Campuchia chỉ còn khả năng cung cấp thêm 4 năm
nữa!
Giá thành cao
Ông Nguyễn Quang Thái, chủ cơ sở sản xuất đũa Thái Nguyên (Suối Kiết - Tánh
Linh) cho biết: “Với hơn 20 lao động, mỗi tháng gia đình tôi sản xuất 75.000 đôi
đũa. Mức thu nhập bình quân hàng tháng của người lao động khoảng 1,5 – 1,8 triệu
đồng/người. Đặc tính đũa sóng lá chắc bền, người tiêu dùng ưa chuộng, nhưng giá
nguyên liệu ngày càng cao do nguồn cung cấp ngày một khan hiếm, người sản xuất
lãi rất thấp”.
Trước đây, thu mua nguồn sóng lá buông trong tỉnh sản xuất đũa không hao hụt
nhiều, chỉ bỏ 20% gốc, mép không đạt tiêu chuẩn. Với nguồn cây buông mua từ
Campuchia thì hao hụt cao, khoảng 30 - 40%, bởi người bán độn sóng lá buông kém
chất lượng vào bên trong không thể ra thành phẩm đũa. Vì vậy, giá thành đầu vào
khá cao, sau khi trừ chi phí, lãi khoảng 2.000 - 2.500 đồng/bó (50 đôi đũa).
Mặc dù lợi nhuận thu về không tương xứng với sức lao động và đồng vốn đầu tư,
nhưng các cơ sở vẫn phải gồng mình sản xuất do “phóng lao phải theo lao”, chị Võ
Thị Kim Thắng ở thôn 2, Suối Kiết chia sẻ.
Trước tình trạng nguồn nguyên liệu sóng lá buông cạn kiệt trong thời gian tới,
các hộ sản xuất có định hướng chuyển sang sản xuất đũa tre, đũa gỗ để duy trì
nghề làm đũa tại Suối Kiết tạo thêm nguồn thu, góp phần giải quyết lao động nữ,
người già… trong lúc nông nhàn.
Trang Minh