Hương thị tuổi thơ
Hương thị tuổi thơ
BT- “Thị ơi thị rơi bị bà
Bà để bà ngửi chứ bà không ăn”
Nghe đứa cháu đọc ngân nga, tự dưng tôi nhớ đến hình ảnh quả thị. Một loại quả
đã gắn liền với tuổi thơ tôi mà cho đến tận bây giờ vẫn không thể nào quên.
Suốt quãng thời gian tuổi thơ, chẳng mấy khi mùa thị chín về là trong tay tôi
lại không có mấy quả thị để chơi. Đó là mỗi buổi mẹ đi chợ về, chị em chúng tôi
háo hức chạy ra ngõ đón để mẹ chia cho mỗi đứa một quả thị chín vàng, đang tỏa
hương thơm nức. Cầm quả thị trên tay, chúng tôi vừa đưa lên mũi hít lấy hít để
một cách thích thú, say mê, vừa xuýt xoa về màu sắc và vị thơm của nó. Vỏ bên
ngoài của thị mịn tựa như nhung, lăn trên má có cảm giác mát lịm cả da mặt. Màu
sắc của quả thị thì nhìn mãi không chán, màu vàng tươi hòa vào những lấm chấm
xanh từ rốn quả đến giữa thân quả có cảm giác như màu vàng đang tràn mãi ra. Có
quả tròn, quả to, có quả hơi vẹo vọ, tuy không giống nhau nhưng quả nào cũng tỏa
mùi thơm khắp căn nhà. Đến bữa ăn, quả thị được mỗi chị em treo lên cửa sổ,
không ăn ngay mà để từ ngày này sang ngày khác cho thơm. Những đêm nằm ngủ bên
mẹ, mang theo cả quả thị đựng trong rọ để trên đầu giường, hương thơm của thị
tỏa ra hòa vào không khí câu chuyện cổ tích Tấm Cám được mẹ kể cho nghe, mấy đứa
nằm im thin thít, mơ màng như lạc vào miền cổ tích xa xăm với bao ước mơ cao đẹp
về hình ảnh cô Tấm thảo hiền bước ra từ quả thị. Rồi lại có khi đi ngủ quên
không lấy ra, đêm nằm đè lên, nhoe nhoét và thế là hỏng một cái áo vì nhựa thị
đen không thể nào giặt nổi. Nhà có thị không giấu được, thơm từ đầu hè vào khắp
nhà. Mẹ quên chưa đưa cũng phát hiện được ngay. Chơi 2 – 3 ngày thì màu vàng sẫm
dần, quả thị mềm đi, vài chấm nâu xuất hiện, mùi cũng sẽ bị nồng.
Bây giờ, quả thị đã gần như không còn xuất hiện nữa. Nhưng trong miền ký ức của
tôi, quả thị chín thực sự là hương sắc cổ tích của mình.
Sao Mai