Chơi suiseki ở Bình Thuận

Chơi suiseki ở Bình Thuận

BT- “Đá không có lối vào, chỉ những ai am hiểu và tận tình mới mở được cửa của nó mà thôi!”

Thầy Thích Tấn Tuệ với các tác phẩm của mình.

Suiseki và thiền

Suiseki là một từ ngữ Nhật Bản với nghĩa là nghệ thuật  thưởng ngoạn đá trong trạng thái tự nhiên. Ra đời từ hàng ngàn năm trước, suiseki là môn nghệ thuật tinh tế được quy định bởi những quy tắc mỹ học nghiêm túc. Chữ suiseki ban đầu được dùng theo nghĩa hẹp là thủy thạch, khác với chữ dùng kỳ thạch (Qi-shi) của Trung Quốc hay linh thạch (suseok) của Hàn Quốc, sau này, khi đã lan truyền ra thế giới thì môn suiseki cũng mở rộng cách chơi, cách trình bày, cách phân loại nhưng nó vẫn được hiểu chung là đá cảnh tự nhiên được dùng để thưởng thức trong nhà.

Người phương Đông nói chung, người Việt nói riêng, đều xem lộ trình thẩm mỹ tâm linh quan trọng hơn là xem xét bên ngoài, bởi đá là một loại linh khí của trời đất, là tinh hoa của những biến động qua thời gian. Người tiếp xúc với đá là tiếp xúc với cơ duyên tích tụ, là tiếp xúc với loại ngôn ngữ tĩnh lặng của thiên nhiên. Mục đích cuối cùng là người và đá cùng yên tĩnh, tâm hồn nhẹ nhõm, bình an.

Môn suiseki lan truyền nhanh là do ai chơi cũng được, tuy nhiên đẳng cấp chơi trong môn này là có thật. Vượt hẳn lên lối chơi bình dân là những người có thể “mở cửa vào được hồn đá”, có thể mục kích những sắc thái, khí thần đặc biệt tinh tế: Không gian trước một tác phẩm suiseki chợt rộng ra rất nhiều lần, thân tâm người thưởng ngoạn hòa vào cái biến đổi vô thường hay vĩnh hằng của thiên nhiên, của vạn vật.

Gần đây, tôi có duyên thăm thầy Thích Tấn Tuệ, trụ trì chùa Đây, bên cạnh dòng suối Đó (Hàm Tân). Thầy là người sở hữu nhiều tác phẩm đá rất có hồn và cách thưởng ngoạn khá sâu. Khi đứng trước những tác phẩm suiseki của thầy, tôi trao đổi: “Có lẽ sẽ hạn chế khả năng ngoạn thạch (ngắm đá, chơi đá) nếu không là một người biết đến thiền học”. Thầy gật đầu và phân tích: Con người rất dễ bị đánh lừa giữa cảm xúc và cảm tính. Nói chung con người cũng dễ bị ngộ nhận. Vì vậy mà sự thiền định trong lúc ngắm đá chính là phương pháp kiềm chế những phát sinh tâm lý phức tạp, tránh được những vọng tưởng và nhất là phá chấp (hàm ý cởi bỏ, tránh mọi sự chấp nê, định kiến… vốn là căn  bệnh thông thường của con người). Cái dụng cao nhất của thiền trong ngoạn thạch là vậy. Nếu kết hợp được như vậy sẽ tạo được một diệu dược lợi ích trong việc cân bằng  tâm.

 Vật thể và hình ảnh trong suiseki

Một người chơi đá khá kín đáo ở thị trấn Thuận Nam, Hàm Thuận Nam, anh Lê Đình, cho biết: “Đá màu đen nâu của các sông, suối trong huyện nhà rất phù hợp với suiseki, bởi đây là thú chơi tĩnh lặng, trầm mặc”. Tinh thần chung là vậy nhưng ngày nay, với cách chơi mở rộng, các màu sắc khác đều được chấp nhận. Trên thế giới, suiseki thường được phân loại theo 4 tiêu chí: Xuất xứ, kiểu bề mặt, màu, hình dáng. Chỉ có người Trung Quốc đặt tên theo xuất xứ, người phương Tây thường đặt theo màu, còn lại hầu hết là đặt theo hai tiêu chí vật thể và hình ảnh.

Tác phẩm của thầy Thích Tấn Tuệ.

Một cửa hàng đá trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, thành phố Phan Thiết có trưng bán nhiều tác phẩm đá rất phong phú,  bắt mắt và có giá trị, nhất là chất liệu. Lối trình bày khá lả lướt, phóng túng.

Nếu bàn về cách trình bày một tác phẩm suiseki thì nhiều người vẫn thích lối trình bày truyền thống. Kiểu bàn trưng bày của Nhật gọi là shoku, thường được sử dụng kết hợp với các vật trưng bày khác. Tốt nhất thì bàn phải được làm bằng gỗ chất lượng, màu sắc dịu nhẹ, chi tiết chạm đục đơn giản, có chân thẳng hoặc quỳ cũng đơn giản. Chiều cao của bàn quyết định bởi chiều cao và hình dáng của chủ đề. Suiseki quá cao nên để trên bàn thấp. Hình dáng bàn cần phù hợp với hình dáng của chủ đề. Kiểu của bàn gắn liền với kiểu chủ đề.

Ông già Đường ở Tuy Phong thì thích thú với các suiseki mini nên cách trình bày của ông đơn giản là cho vào hết các kệ trong tủ kính. Quả thật cách này rất hạn chế việc thưởng ngoạn. Ông nói mình cũng ước mơ có điều kiện cũng sẽ trình bày đúng theo cách truyền thống của người Nhật, có như vậy mới thật đúng về bố cục của viên đá trong một tổng thể chung.

Để kết bài viết ngắn này, tôi xin được phép quay lại những tác phẩm suiseki của thầy Thích Tấn Tuệ. Hầu hết những tác phẩm của thầy đều thể hiện cái bí ẩn, sâu sắc, vô thường và rất tinh tế như lớp lớp sóng đè lên nhau, như vầng trăng ẩn sau mây trong một đêm rằm… Số còn lại mang đến cho người thưởng ngoạn cảm giác xưa cũ hay tâm trạng hoài cổ, bởi đó là những khối đá bị phong hóa nhưng rất đẹp mắt. Tôi cứ ngẩn ngơ trước vẻ đẹp phù hợp trong quang cảnh chùa chiền ở đây, lòng thầm mừng vì chất lượng cuộc sống quanh mình ngày càng được nâng cao.

Ghi chép: Nguyễn Tân Hải