Lệ làng…

Lệ làng…. hợp pháp

BT- Bây giờ những hủ tục ấy hay nói chính xác là những lệ làng ngày xưa đã được “thay máu” bằng hương ước, quy ước. Điều này được ví như barie sàng lọc, cái đẹp để lưu giữ tiếp tục, loại bỏ cái xấu, không văn minh.

Thầy Chang (già làng) cúng rửa tội cho hai con Huyền Trang và Tấn Huy, ở thôn Lâm Giang, xã Hàm Trí trước khi làm lễ kết hôn.

 Từ dưới xuôi

Hôm ấy trời mưa bay, không gian mát mẻ, thôn Lâm Giang, xã Hàm Trí (Hàm Thuận Bắc) có đám cưới của người Chăm Bà ni tại nhà rất đặc trưng. Tiếng nhạc rộn ràng, người người cười nói vui vẻ, hầu như ai ở trong thôn cũng đến dự. Ông Thông Lai cũng thế. Khi ông đến, người nhà có đám cưới mời ông ngồi ở vị trí trân trọng nhất, bởi ông đang là Bí thư thôn Lâm Giang. Suốt từ năm 2002 đến nay, ông được nhân dân tín nhiệm bầu làm Bí thư thôn, nên mỗi khi có đám cưới, đám tang ông đều có mặt. Hơn thế, ông còn là người gương mẫu trong tổ chức cưới hỏi văn minh, tiết kiệm cho hai đứa con của mình nên bà con ở đây càng tin tưởng ông hơn. Và cũng vì thế, ông là người hiểu rất rõ việc cưới, việc tang trong thôn trước đây và bây giờ như trong lòng bàn tay.

Thấy có đám cưới, tôi hỏi theo kiểu tình cờ: “Tập tục cưới hỏi của người Chăm bây giờ có gì mới không ông?”. Ông Thông Lai nói một tràng cứ như đã sắp xếp từ trước: “Đổi mới nhiều chứ, trước đây đám hỏi nhà gái phải đến nhà trai 3 lần, thông qua ông mai, bà mối rồi mới đến gia đình hai bên gặp gỡ trao đổi vấn đề cưới hỏi với nhau. Sau khi chọn được ngày lành tháng tốt, nhà gái chọn người thân trong gia tộc bưng mâm lễ gồm bánh, trái cây, trầu, cau, cá đuối, rượu đến nhà trai tổ chức đám hỏi. Còn đám hỏi bây giờ chỉ có một lần, hai bên thống nhất ngày giờ rồi nhà gái bưng mâm lễ đến nhà trai tổ chức đám hỏi”.

Uống ngụm trà, ông nhìn tôi với ánh mắt sâu dưới cặp lông mày rậm rất đặc trưng của người Chăm rồi nói tiếp: “Đám cưới của người Chăm khác với người Kinh ở chỗ, trước khi hôn lễ diễn ra, nhà gái mua sẵn 1 con dê và mời một người có chức sắc trong làng đến cắt tiết, chế biến, bày lên mâm cỗ để thầy Chang (già làng) cúng rửa tội cho hai con. Phía nhà trai phải chuẩn bị một chiếc nhẫn vàng có hột để đeo tặng cho cô dâu trong tiệc cưới. Nhà gái tổ chức đám cưới trước nhà trai, với nghi lễ của người Chăm Bà ni là cúng thịt dê, chiêu đãi khách 4 - 5 món như người Kinh, nhưng kiêng thịt heo. Bây giờ đa số các hộ dân đều đặt tiệc cưới cho các cơ sở dịch vụ lo liệu, từ khâu che rạp, trang trí, âm thanh, người dẫn chương trình đến bàn, ghế, chén đũa, ly uống bia và các món ăn theo yêu cầu của gia chủ”. Vậy đám cưới này là của nhà gái - một đám cưới lớn, tôi nghĩ. Nhìn nét mặt của cô dâu, chú rể và cả cha mẹ hai bên đều thấy họ rất vui vẻ. Không thấy nét lo âu nào như tôi từng thấy trên phim ảnh hay nghe kể về những đám cưới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số thường nặng việc thách cưới. Ông Thông Lai tuyên bố rằng ở Lâm Giang bây giờ không còn chuyện thách cưới. Bước tiến này khiến thôn Lâm Giang trở nên có tiếng về sự văn minh trong cưới hỏi, đã bao lần báo cáo điển hình tại các đại hội có chủ đề liên quan.

Đến vùng cao

 Như Lâm Giang, Đông Tiến là một xã chủ yếu người K’ho sinh sống cũng từng làm một cuộc cách mạng thay đổi các hủ tục được điển hình xem là một. Tại Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số huyện Hàm Thuận Bắc năm 2014, bà K’ Thị Hồm, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã báo cáo điển hình. Và chính bản thân bà cũng đã thể hiện là người hoạt bát, được bà con đánh giá là người năng động trong sản xuất, chăn nuôi và tham gia nhiệt tình các phong trào xã hội. Nhìn cách bà nói chuyện tôi tin những gì hội phụ nữ nơi đây đã làm, với những khó khăn ban đầu như “Nữ Oa vá trời”. Tác động để thay đổi nhận thức vốn dĩ là điều không dễ, trong khi cộng đồng ấy sống giữa núi rừng bao đời nay đã chịu đựng ảnh hưởng sâu đậm cách nghĩ mọi vạn vật đều do Giàng sinh ra, trừng phạt cũng như hủy diệt thì việc thay đổi ấy càng khó khăn gấp bội lần. Nhưng bà Hồm và những người tiến bộ ở Đông Tiến đã làm được. Bà thổ lộ: “Trước đây, mỗi khi có người bị bệnh là bà con nhờ thầy cúng tới nhà chữa bệnh bằng bùa chú và đều không qua nổi. Phụ nữ sinh đẻ thì nhờ bà mụ vườn nên việc bị nhiễm trùng rốn thường xảy ra. Đám tang tổ chức cúng bái linh đình và để trong nhà 4 - 5 ngày mới đưa đi chôn, gây ô nhiễm môi trường dễ lây lan bệnh tật. Nạn tảo hôn xảy ra nhiều, con cái hay bị bệnh, ốm yếu, suy dinh dưỡng. Bà con chăn nuôi heo, bò thả rong, làm mất vệ sinh môi trường trong khu dân cư. Những hộ nghèo mỗi khi tổ chức đám cưới cho con đều sợ tục thách cưới 2 - 3 con heo, bò”. Còn bây giờ thì... Bà K’ Thị Hồm nói với giọng hãnh diện: “Từ khi xã xây dựng quy ước, hương ước, các đoàn thể, trong đó có Hội Phụ nữ xã tích cực tuyên truyền bà con đã dần bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu. Không những thế, nhờ các chương trình hỗ trợ của Nhà nước, bà con biết áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong canh tác lúa nước, chăn nuôi heo, bò để tăng thêm thu nhập. Song song đó, Trạm Y tế xã được xây dựng khang trang để bà con tới chữa bệnh và sinh đẻ. Các hộ dân trong xã đã định canh định cư, xây dựng nhà ở kiên cố, có lưới điện hạ thế để thắp sáng, xem ti vi, sử dụng tủ lạnh. Phong trào văn hóa, văn nghệ đã thu hút đông đảo bà con tham gia nhiệt tình, sôi nổi”.

 “Gác cổng”

 Những đổi thay trên ở 2 nơi của huyện Hàm Thuận Bắc được xem là tiêu biểu. Ông Nguyễn Văn Ánh, Trưởng Phòng Tư pháp huyện Hàm Thuận Bắc nói thế. Ông Ánh là người đã nhiều năm tham mưu UBND huyện thẩm định, phê duyệt lại quy ước thôn, khu phố theo quy định. Ông Ánh nói: Toàn huyện Hàm Thuận Bắc đã có 86/86 thôn, khu phố bổ sung, hoàn chỉnh quy ước theo đúng quy định của pháp luật và đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, dân chủ, công khai. Nhiều quy ước thể hiện được trí tuệ, công sức của tập thể, cộng đồng dân cư và khơi dậy những phong tục, tập quán tốt đẹp của thôn, khu phố, dòng tộc. Cũng theo ông Ánh nhận xét, chính các bản quy ước thôn, khu phố đã thúc đẩy phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và giúp đỡ lẫn nhau phát triển kinh tế gia đình. Nhiều thôn, khu phố đã phát huy tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ những người nghèo, khó khăn, hoạn nạn và kêu gọi con em ở xa quê đóng góp xây dựng các cơ sở hạ tầng, đầu tư mở các trang trại trồng trọt, chăn nuôi. Các đám cưới, đám hỏi, đám tang được tổ chức gọn nhẹ, tiết kiệm, trang trọng theo nếp sống mới và phù hợp với phong tục, tập quán của địa phương. Lễ hội truyền thống hàng năm đều diễn ra sôi nổi ở các thôn, khu phố, tạo không khí vui tươi, lành mạnh và tôn vinh các giá trị văn hóa, lịch sử của dân tộc. Ngoài ra quy ước của các thôn, khu phố còn góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường sinh thái, người dân không còn tình trạng vứt rác bừa bãi ra đường, nơi công cộng và xây dựng chuồng trại chăn nuôi heo, bò cách xa nhà.

Quy ước, hương ước đã được xây dựng không chỉ trên địa bàn huyện Hàm Thuận Bắc bắt đầu từ năm 2000. Đã 16 năm trôi qua, một khoảng thời gian không ngắn và những tập tục lạc hậu ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã cơ bản xóa bỏ. Bây giờ những hủ tục ấy hay nói chính xác là những lệ làng ngày xưa đã được “thay máu” bằng hương ước, quy ước. Điều này được ví như barie sàng lọc, cái đẹp để lưu giữ tiếp tục, loại bỏ cái xấu, không văn minh. Người dân ở các vùng trên đã tiến gần cuộc sống của người dân ở đồng bằng, đô thị, ít nhất ở góc độ này.

Ngọc Tuấn