Truyện cổ dân gian Chăm Bình Thu

Truyện cổ dân gian Chăm Bình Thuận: Một công trình sưu tầm có chất lượng

BT- Tôi nói cuốn sách này của tác giả Bố Xuân Hổ có chất lượng vì nó là cuốn sách nằm trong dự án công bố, phổ biến tài sản  văn hóa, văn nghệ dân gian Việt Nam có  Ban chỉ đạo gồm các giáo sư, tiến sĩ, nhà văn có uy tín xét duyệt; trong đó giáo sư, tiến sĩ Tô Ngọc Thanh làm trưởng ban, và giám đốc văn phòng dự án là tiến sĩ Đoàn Thanh Nô phụ trách.

Trong lời giới thiệu cho cuốn sách, giáo sư, tiến sĩ khoa học Tô Ngọc Thanh có nói:

… “Hy vọng các xuất bản phẩm của dự án sẽ cung cấp cho bạn đọc trong và ngoài nước một bộ sách mang tính chất bách khoa thư về các màu sắc văn hóa của các tộc người Việt Nam, phục vụ thiết thực vào việc tra cứu, mở rộng hiểu biết của bạn đọc về truyền thống văn hóa giàu có và độc đáo đó, góp phần xây dựng nền “văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc””…

Còn trong đôi lời bộc bạch, tác giả Bố Xuân Hổ có nói đại ý về mối quan hệ qua lại giữa các dân tộc anh em, nhất là dân tộc Việt, ngoài sự độc đáo do ảnh hưởng về văn hóa tâm linh thì vẫn có nét chung trong truyện kể dân gian là hồi kết của truyện bao giờ cũng là quy luật nhân quả, thiện thắng ác, lẽ phải thắng sự ngang trái… và có lẽ đó cũng là chuyện của con người, của nhân loại.

Trong tập sách truyện cổ dân gian Bình Thuận, truyện nào đọc cũng hấp dẫn nhưng tôi chú ý nhiều đến các truyền thuyết về các đập nước như đập nước Sông Quao, đập nước Đa Mi rồi đập nước Vĩnh Hảo.

Tôi thấm thía nhiều chuyện và tự trách mình sao ở Bình Thuận ngót bốn năm chục năm, thậm chí có nhiều tháng đi cải tạo nông, ngư nghiệp ở Bắc Bình ở ngay trong nhà tác giả Bố Xuân Hổ vào cuối những năm 70 của thế kỷ trước, ấy vậy mà khi đọc cuốn sách này mới hiểu rõ, vì sao người Chăm có chế độ mẫu hệ, hoặc vì sao mà hỏa táng, hoặc sự tích áo thầy Chang, thầy Xế…

Tập truyện cổ dân gian Chăm Bình Thuận là một cuốn sách “bách khoa toàn thư” mà những ai có ý thích sưu tầm nghiên cứu nên đọc.

Duy Lý