Một vài nghi lễ liên quan đến nư

Một vài nghi lễ liên quan đến nước của người Chăm Phan Rí

BT - Người Chăm vốn có truyền thống làm lúa nước từ rất lâu đời. Kinh nghiệm sản xuất được đúc kết trong câu: “Làm ruộng sạch cỏ có lúa có gạo/ Làm ruộng không sạch có cỏ có cây”.  Chính vì vậy, người Chăm rất chú trọng đến thủy lợi, mà cụ thể là “dẫn thủy nhập điền” thông qua việc đắp các con đập cổ: Ngọc nữ, Ma ó…

Lễ khai mương đắp đập (Pơh băng yang)

Theo họ, vùng đất Phan Rí (bao gồm cả Bắc Bình và Tuy Phong) cứ 3 năm lại hạn hán một lần. Vì vậy, phải cúng tế khai mương, đắp đập, hoặc  cầu mưa… Tập tục này ngày nay không còn nữa. Nhưng trong tình hình hạn hán như mấy năm gần đây, trong quá trình điền dã dân tộc học, tôi xin giới thiệu một vài lễ nghi liên quan đến nguồn nước của người Chăm Phan Rí.

Thứ ba tuần đầu của tháng 1 (Chăm lịch), nhằm tháng 2 hoặc tháng 3 âm lịch, tại nơi khai mương đắp đập, người Chăm tổ chức lễ Pơh băng yang do Ôn Hmu Ia phụ trách việc cúng tế. Ôn Hmu Ia cho người chuẩn bị lễ vật gồm: 1 con dê, 5 mâm cơm canh, 1 khay trầu và một chai rượu trắng với cây nỏ nường (nỏ nường hình dáng sinh thực khí của đàn ông được làm bằng gỗ trầm hoặc gỗ me, biểu trưng cho tính phồn thực của tộc người Chăm).

Vào lễ, Ôn Humu Ia khấn xin thần bảy ngôi xin đừng phá rối việc khai mương đắp đập.  Ông dùng nỏ nường để múa. Đắp đập xong, Ôn Hmu Ia dùng 5 ngón tay vẽ cách điệu hình rồng ngụ ý không cho ma quỷ phá đập. Cúng xong, Ôn Hmu Ia hốt một nắm đất ném xuống mương với ý niệm được rồng soi mương, mương sẽ nhiều nước hơn. Mặt khác, ông còn khấn vái các thần linh chứng giám và phù hộ cho công việc đồng áng của cư dân Chăm trong vùng. Buổi lễ kết thúc, Ôn Hmu Ia cho người đem lễ vật về nhà.

Những nơi có lăng tẩm, nghi lễ này tổ chức cầu kỳ hơn.

Lễ cầu mưa (Yõr Yang)

Người Chăm cho rằng cứ 3 năm được mùa thì 3 năm mất mùa bởi hạn hán. Cứ 3 năm đến 7 năm, họ tổ chức Yõr Yang nếu vào tháng 4 Chăm lịch (khoảng tháng 5 ÂL) chưa có mưa. Theo lịch thời vụ thì mưa đã trễ 2 tháng. Do đó, họ tổ chức cúng ở đầu nguồn để cầu Po Tau Yang Ing thời xa xưa đã từ ngự trị tại nơi này. Lễ vật gồm: 1 con trâu trắng, trầu cau, xôi chè, chuối, cá cơm… nhang đèn. Thực hiện lễ có: thầy Cò ke (Ôn Ka Thành), thầy Ông bóng (Ôn Kà Ing), thầy Cả Sêh (Po Sêh Gru), thầy Cả vỗ (Ôn Mưn Duồn), thầy Bà bóng (Ôn Pa Jâu) thay mặt dân làng cầu cho mưa thuận, gió hòa.

Tại nơi hành lễ phải dựng 1 Ka jang cho Po Tau Yang Ing. Ôn Mưk Pa Jầu bưng trầu rượu dâng lên van vái thần linh. Ôn Ka Thanh kéo đơn Ka nhi theo điệu Po chày. Ôn Ka Ing múa hát bài A po để mời thánh thần xuống chứng giám dân làm kễ Yõr Yang và sau đó van vái trước khi làm lễ chém trâu. Theo phong tục, trước khi làm lễ chém trâu - báo tử cho con vật tế thần. Mã đao phải rửa sạch bằng nước cát lồi (có nhiều ở vùng biển Chí Công với đặc tính NaOH)  và vẽ bùa. Theo lệnh ông, Ôn Ka Ing dùng mã đao chém cổ trâu và cho người mang đi xẻ thịt làm các món cúng thần linh. Lễ vật hướng về phương Đông, nơi biển cả.

Lễ này chỉ thực hiện trong buổi chiều. Người Chăm Phan Rí cho rằng, sau lễ chém trâu, mây đen kéo đến. Làm lễ xong có khi mưa không kịp về.

Cầu đảo thần sóng biển (Palao Pasah hay Plao Sah)

Lễ này được tiến hành vào đầu năm, ngay sau lễ Chà và (Rijia Nưga), địa điểm cúng tại cầu Sông Cạn (Phan Rí Thành). Thực hiện lễ cúng bao gồm cả người Bàlamôn (Cham jak) và người Hồi giáo Bàni theo ngày giờ do Po Sêh Gru ấn định.

Trước khi vào lễ, họ dựng 7 Kajang cho 7 vị thầy. Đó là: Ôn Po Sêh Gru, Ôn Kà Ing, Ôn Ka Thành, Ôn Mưn Duồn, Muk Pa Jầu Ra Chà (bà chuyên múa Chà và) và Po Char. Lễ vật được sắm gồm: 3 con dê, 14 con gà, xôi, canh, cá… Khác với lễ cúng đầu nguồn, cúng bể chỉ chém dê chứ không chém trâu. Vào lễ, họ vái thánh Allah (Po tip a luah Allah), cầu đấng sáng thế (Po Sipa jưn)… Mưk Pa Jầu  múa hát và thả đồ cúng trên 2 chiếc bè (hok) cho trôi ra biển, nguyện cầu nước dâng lên. Dân từ mười mấy làng đi theo các tu sĩ để phục dịch, lo cho buổi lễ thành công. Lễ kéo dài 2 ngày, 1 đêm.

Thỉnh thoảng họ còn cầu đảo ở miếu Bà (Phan Rí Thành). Lễ vật ở đây chỉ có dê, hình thức và mục đích ở đây cũng như các nơi khác. Miếu Bà thờ Chúa Thiên Yana (Po Inư Nưgar). Theo quan niệm của người Chăm, bà là Mẹ xứ sở Champa. Bà ra đời trước Đức Allah giáng thế.

Lễ chặn đầu nguồn (Kap Hlâu Krong)

Hàng năm, cứ vào tháng 10 âm lịch (khoảng tháng 7 Chăm lịch) họ tổ chức lễ Kap Hlâu Krong nhằm tạ ơn các vị thần đã mưa xuống cho dân làng cày cấy, mùa màng bội thu và xin thôi mưa để mùa màng khỏi hư hỏng. Lễ này tổ chức ở các đầu nguồn nước. Các thầy của Bà la môn và Bà ni làm chủ lễ. Khác với lệ thường, thầy Po char mặc áo đen (thuộc hành thủy).

Kết luận

Định cư trên vùng đất Panduranga (bao gồm Ninh Thuận, Bình Thuận) nắng gió bốn mùa, lượng mưa quá ít ỏi, người Chăm (theo tục đa thần) đã hình thành tập tục biểu hiện lòng tin đối với vấn đề thủy lợi. Nước được đề cao hàng đầu. Không có nước ruộng đồng khô cạn, đói kém triền miên. Họ tin rằng thiên tai gây mất mùa là do tội lỗi của con người khiến thần linh trừng phạt. Vì vậy, những lễ nghi của họ trong thủy lợi đều thể hiện tinh thần sùng bái và phục tùng thiên nhiên, dựa vào thiên nhiên để khai thác chứ không đối đầu. Gạt bỏ những yếu tố lễ nghi sang một bên, chúng ta thấy từ rất xa xưa ngoài truyền thống đi biển, tộc người Chăm đã biết làm lúa nước theo lối thủy canh.

NGUYỄN HỮU CÁN