Phát huy giá trị đặc trưng văn h

Phát huy giá trị đặc trưng văn hóa trong phát triển du lịch tại Bình Thuận

BT- Với bề dày lịch sử, vùng đất Bình Thuận đã có nhiều đặc trưng văn hóa vật thể và phi vật thể của cộng đồng các dân tộc anh em sinh sống tại đây. Những đặc trưng văn hóa ấy có vai trò quan trọng trong đời sống, vừa gìn giữ những giá trị truyền thống của người xưa để lại, đồng thời luôn song hành cùng sự phát triển của thời đại mới. Bình Thuận cũng là địa phương phát triển mạnh về du lịch, trong đó du lịch văn hóa ngày một thu hút đông đảo du khách, đòi hỏi chúng ta cần phát huy hơn nữa những tiềm năng để đưa vào khai thác hiệu quả hơn trên lĩnh vực này.

Lễ hội dinh Thầy Thím. Ảnh: Đ.Hòa

Những di tích lịch sử, lễ hội tại Bình Thuận đã được định hình, trở thành điểm đến quen thuộc của du khách như các di tích Trường Dục Thanh – Bảo tàng Hồ Chí Minh, dinh Vạn Thủy Tú, chùa núi Tà Cú, chùa Cổ Thạch, dinh Thầy Thím, tháp Pô Sah Inư; các lễ hội như đua thuyền, Ka tê, Ra mư wan, trung thu, cầu ngư, Nghinh Ông… đã thu hút đông đảo du khách đến thăm viếng, tham dự. Những giá trị của các di tích, lễ hội này đang được phát huy, giới thiệu di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đến với nhiều người và góp phần làm phong phú thêm các sản phẩm du lịch của địa phương.

Bên cạnh những đặc trưng văn hóa nêu trên, chúng ta còn có nhiều di tích và lễ hội nằm rải rác tại các địa bàn trong tỉnh. Về di tích, đó là những dinh, vạn ở các làng chài ven biển; những đình, chùa, tháp, đền thờ ở Tuy Phong, Bắc Bình; những ngôi đình có kiến trúc độc đáo, được xếp hạng hay những ngôi chùa cổ, nhà cổ tại Phan Thiết và những di tích khác nằm rải rác ở các huyện Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, La Gi, Đức Linh, Tánh Linh... Còn về lễ hội, một số gắn với việc thờ cúng tại các đình, tháp, đền đưa đến những nét đặc sắc trong đời sống tâm linh của cư dân địa phương, bên cạnh đó còn có những lễ, tết đặc trưng khác như lễ cầu an (Tả tài phán) của người Nùng, Tày, Hoa tại xã Hải Ninh, Tết đầu lúa của đồng bào dân tộc Rắc-lay ở 4 xã vùng cao thuộc huyện Bắc Bình hay lễ hội Hòn Bà ở thị xã La Gi... Tuy vậy những di tích, lễ hội này vẫn chưa được giới thiệu, quảng bá nhiều để du khách biết và đến tham quan, tìm hiểu, hòa mình vào không khí ấy.

Bên cạnh những di tích, lễ hội, tại Bình Thuận còn có những làng nghề thủ công truyền thống như dệt, gốm của đồng bào Chăm, các cơ sở sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ, làng nghề nước mắm cũng là điều mà không ít du khách muốn tìm hiểu. Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã công bố danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó có nghề làm gốm thủ công của người Chăm Bình Thuận, điều này không chỉ là sự ghi nhận về những nét đặc sắc của nghề làm gốm của bà con người Chăm, mà còn mở ra những triển vọng mới trong phát triển nghề nghiệp cũng như thu hút sự quan tâm của khách du lịch khi đến Bình Thuận.

Những năm gần đây, chúng ta cũng đã tổ chức một số lệ hội mới nhằm quảng bá, tạo nên sự kiện thu hút du khách, làm tăng thương hiệu du lịch Bình Thuận. Bên cạnh đó theo chúng tôi cũng cần có thêm những sản phẩm văn hóa làm nên nét đặc trưng riêng của chúng ta, ví dụ như bức tượng con thuyền mang biểu trưng của vùng biển hay một vườn tượng để du khách có thể thả bộ chiêm ngưỡng... sẽ tạo nên đặc trưng văn hóa mới phục vụ cho phát triển du lịch.

Làm thế nào để du khách biết đến nhiều hơn với những đặc trưng văn hóa của Bình Thuận, nhằm phát huy hết hiệu quả để khai thác, phát triển du lịch là điều cần đặt ra. Với những di tích, lễ hội đã được nhiều người biết đến, theo chúng tôi cần có sự đầu tư chiều sâu cho từng di tích, lễ hội, bên cạnh đó cần tổ chức những sự kiện liên quan nhằm tránh sự đơn điệu. Với những di tích, lễ hội, làng nghề chưa được phát huy nhiều, cần có sự đầu tư hơn và thường xuyên trong công tác quảng bá, giới thiệu với nhiều hình thức để nhiều người biết đến.

THÀNH CHƯƠNG