Quà tặng du khách
Quà tặng du khách
BT- Khách du lịch đến Việt Nam, ngoài việc thăm thú các danh lam thắng cảnh, tìm
hiểu về phong tục tập quán, nghệ thuật ẩm thực, họ còn thích thú đến ba món… đó
là hoa sen, áo dài và chiếc nón lá…
|
Ảnh minh họa. |
1. Ở Việt Nam có hai nơi sen mọc nhiều, nhiều người biết tiếng là Hồ Tây Hà Nội
và sen ở Đồng Tháp Mười, những nơi khác chủ yếu ở những ao đình, chùa. Hoa sen
Việt Nam, loài hoa được mệnh danh “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. So hình
dáng với các loại hoa sen ở khắp nơi trên thế giới cũng chẳng khác gì mấy, song
sen Việt Nam có những đặc trưng riêng như chỉ có ba màu: trắng, hồng và đỏ, nở
về mùa hạ, búp sen thon nhọn, hương sen thoảng nhẹ, thanh thoát. Sen biểu tượng
của sự thuần khiết với 8 đặc tính 1. Không nhiễm. 2. Trừng thanh. 3. Kiên nhẫn.
4. Viên dung 5. Thanh lương. 6. Hành trực. 7. Ngẩu không. 8. Bồng thực. Trong đó
đặc tính “Không nhiễm” là không ảnh hưởng bới mùi bùn, “Trừng thanh” là lóng
trong, nước ở ao sen không bao giờ bị vẩn đục, đặc biệt là hoa sen nở, gương sen
và hạt sen đồng thời mọc ra, khác với các loại hoa trái thông thường, từ hoa mới
thụ phấn sinh trái, ý nghĩa bồng thực là vì vậy, như nhân quả song hành, không
sai khác…
2. Trong từ điển du lịch của người nước ngoài cũng có hai từ “Ao dai” rất đặc
biệt, thu hút sự tò mò, khám phá của du khách khi đến với Việt Nam. Chiếc áo dài
Việt mềm mại, tha thướt từ rất lâu rồi đã được đưa vào thơ, nhạc, họa, làm rung
động biết bao người Việt xa xứ: “Có phải em mang trong áo bay/ Hai phần gió thổi
một phần mây/ Hay là em gói mây trong áo/ và thở cho làn mây trắng bay…” (Nguyên
Sa).
Có lẽ chiếc áo dài Việt sẽ là món quà tinh tế và hứng thú đối với nhiều du
khách, nhất là những du khách châu Á khi đến thăm Việt Nam, nếu ngành du lịch và
những công ty du lịch biết cách tiếp thị và cải tiến thêm chiếc áo dài cho phù
hợp với sở thích của du khách…
3. Trước hết, nón lá là một vật dùng rất đa dụng. Để che mưa nắng. Nón chóp
nhọn đầu, nón thúng rộng vành, nón ba tầm như nón thúng nhưng mảnh dẻ hơn... tất
cả đều để che nắng, che mưa. Dù nón có nhiều loại, song nét đặc thù chung của nó
là rộng vành (để chống nắng, nóng) và có mái dốc (để thoát nước nhanh, che mưa).
Ngoài chức năng ứng phó với môi trường tự nhiên, chiếc nón còn hướng tới mục
đích làm đẹp, làm duyên cho người phụ nữ và phù hợp với cảm quan thẩm mỹ của
người Việt: Đẹp một cách tế nhị, kín đáo nhưng cũng rất gợi cảm, đa tình... vì
thế mà ca dao đã viết: “Nhớ sao xứ Huế mộng mơ/ Tóc thề nghiêng nón bài thơ qua
đò”, hay như: “Còn duyên nón cụ quai tơ/ Hết duyên nón lá quai dừa cũng xong!”
và “Nón này che nắng che mưa/ Nón này để đội cho vừa đôi ta”… Chiếc nón lá xuất
hiện lần đầu tiên ở Việt Nam vào khoảng thế kỷ thứ XIII, thuộc đời nhà Trần, và
đi cùng với mọi người Việt Nam cho đến ngày nay. Ở miền Bắc có nón quai thao,
miền Trung nổi tiếng với chiếc nón lá bài thơ ở Huế, nón gò găng ở Bình Định.
Ngoài việc che nắng, che mưa, làm duyên cho người con gái, chiếc nón còn có thể
dùng thay cho chiếc quạt để quạt mát những khi oi nồng, nín gió… Nón còn dùng
thay dụng cụ múc nước sông, nước ao để uống hay rửa mặt. Các chị, các mẹ đi chợ,
quên mang giỏ xách, chiếc nón cũng có thể đựng bó hoa, mớ rau, vật dụng… Thậm
chí khi ngồi tâm tình dưới gốc cây, hiên nhà, chiếc nón còn có thể… lót ngồi!…
Nón lá Việt Nam cũng sẽ là món quà quý cho những người nước ngoài khi đến với
Việt Nam…
TRẦN HOÀNG VY