Khám phá Việt Nam trên xe hai bá
Khám phá Việt Nam trên xe hai bánh: Easy riders là gì?
BT- 6 người nước ngoài, bao gồm đàn ông và phụ nữ hăm hở kéo những chiếc va li
tới gần những chiếc xe máy đang đậu ven đường. Ở đó, những thanh niên người
Việt, nói tiếng Anh, giúp họ cột va li vào đuôi của từng chiếc xe, trước khi
từng người ngồi lên để những thanh niên chở đi.
Tất cả đang làm chuyến lữ hành khám phá những vùng quê đất Việt, trong đó có
Bình Thuận. Tôi nghe nhiều người nói: Những thanh niên chở khách người nước
ngoài khám phá Việt Nam là những Easy riders.
Khám phá, kết nối
Người đàn ông rắn rỏi, 37 tuổi, tên đầy đủ là Trần Văn Bình, trưởng nhóm Easy
riders tại Hàm Tiến (Phan Thiết) nói: “Để làm Easy riders cần có sức khỏe tốt,
luôn phải chở một người trung bình nặng 70kg, cộng thêm hành lý 20kg, rong ruổi
trong nhiều ngày. Ngoài ngoại ngữ, họ cần có một số kỹ năng nhất định, nhất là
xử lý tình huống, và hiểu biết rộng. Chẳng hạn, mới đây một Easy rider trong
nhóm của anh Bình chở khách đi Lâm Đồng trên quốc lộ 28. Khi đến đỉnh đèo Gia
Bắc, khách yêu cầu dừng lại chụp ảnh và đã hỏi về cây cà phê. Easy riders phải
biết về cây cà phê để mà giải thích. Lý thú là hôm ấy, sau khi giải thích về
cây cà phê, người trong nhóm của anh Bình còn dừng lại bên bờ suối ở Gia Bắc,
chặt ống bương nấu cơm lam và nướng cá giữa rừng. Sau bữa cơm trưa hôm ấy, họ
còn nghỉ lại bờ suối hơn 1 giờ trước khi lên xe đi tiếp. Anh bạn người Tây ngồi
phía sau cứ trầm trồ: Lần đầu tiên được sống hòa mình với thiên nhiên Việt Nam,
cũng như không ngớt ngợi khen Easy riders Phan Thiết.
Vì sao là “Easy riders”?
“Những năm 90, một số người chạy xe ôm biết ngoại ngữ ở Đà Lạt thấy du khách
nước ngoài có nhu cầu tìm hiểu đất nước Việt Nam, đã tập hợp nhau, lập đội xe
đưa du khách đến danh lam thắng cảnh… Cho đến năm 2000, một nhóm khách du lịch
Mỹ sau khi khám phá tất cả các ngõ ngách, các bản làng Việt, cho rằng cách tổ
chức tour rất hay nhưng vì sao không có một cái tên. Các du khách kể về bộ phim
mang tên Easy riders xoay quanh hành trình rong ruổi của hai tay lái. Theo họ
những người lái mô tô đưa khách đi khám phám Việt Nam cũng nên gọi là Easy
riders. Thế là sau đó tên gọi Easy riders được dành cho những người chuyên đưa
khách du lịch bằng mô tô như chúng tôi”, anh Bình nói.
Cũng theo anh Bình, trước đây mô hình này chưa phát triển tại Hàm Tiến - Mũi Né
trong khi nhu cầu du khách thì có nhiều. Vì thế, anh quyết định đến Hàm Tiến mở
tour cho khách hơn 3 năm nay, đa phần số khách của ngày khai trương là những
người từng đi tour với anh ở Đà Lạt trước đó. Chuyến hành trình dài nhất của anh
là 22 ngày, từ Sài Gòn đến Hà Nội… Hiện nay, tại Hàm Tiến – Mũi Né có khoảng 4
nhóm Easy riders hoạt động. Riêng nhóm anh có 6 thành viên, trong đó có 1 thành
viên tốt nghiệp đại học, 2 thành viên tốt nghiệp trung cấp về du lịch. Với anh,
trước khi trở thành một Easy rider, anh chỉ mới học xong lớp 12 và xin đi làm
nhà hàng, khách sạn, học nghề sửa xe honda… Nhờ đó, anh tích lũy được kỹ năng và
kinh nghiệm sống.
An toàn và uy tín
Anh Traviz, du khách người Anh đã nhận xét về công việc của anh Bình: “Sau hai
tuần ngồi sau tay lái của Bình vượt khoảng 1.000 km, tôi biết thêm đất nước, văn
hóa, vẻ đẹp Việt Nam. Bình giúp tôi tiếp cận kho tàng văn hóa Việt một cách
nhanh, gần gũi hơn như tôi nghĩ”.
Anh Bình nhớ lại, có một nhóm Easy riders khác tại Mũi Né nhận tour 3 ngày (Mũi
Né - Đà Lạt - Nha Trang) với 2 khách. Khi tới Đà Lạt là thời điểm Lễ hội Hoa
đang diễn ra, nhóm này không thể tìm được chỗ nghỉ cho khách và trả lại số tiền
một ngày tour khoảng 70 đô la/người, du khách tự tìm chỗ ngủ. Cách làm này làm
khách bực mình, đã vào trang web tripadvisor phàn nàn sự việc như thế! Sau vài
thông tin, anh Bình biết: Những người trả lại tiền không phải nhóm của mình,
nhưng vẫn giúp những du khách tìm một chỗ nghỉ qua đêm tại Đà Lạt. Sau 30 phút
liên lạc, 2 người khách Tây kia có được chỗ nghỉ. Họ ríu rít nói lời cảm ơn.
Trong nhiều năm qua, Easy riders góp phần quảng bá hình ảnh quê hương, đất nước
một cách hiệu quả...
Trang Hiếu