Thư Phan Thiết
Thư Phan Thiết: Đi sau
Bạn thân mến!
BT- Bất chấp bao loài hoa nở trong mùa hè đang khoe sắc, những bò cạp đã nhuộm
vàng, bằng lăng đã thắp lửa, những loài cây có hoa như lá đã ngả màu lấp lánh...
nhưng nhiều người ở thành phố biển này vẫn mong mưa đến. Ai cũng lo chuyện trời
mãi không mưa rồi đến lúc cuối cùng thành phố Phan Thiết cũng bị thiếu nước sinh
hoạt như bao vùng nông thôn trong tỉnh 2 tháng qua...Nỗi lo tưởng chừng vu vơ
nhưng biết đâu, vì chuyện khí hậu đã biến đổi thì cái gì cũng có thể xảy ra như
tuyết rơi trong mùa hè ở Sapa những ngày trước chẳng hạn. Hay như nơi bạn ở, cơ
quan khí tượng thủy văn dự đoán năm nay mặt trời đang đi vào vị trí thiên đỉnh,
và vị trí đó sẽ ở ngay trên TP.HCM vào những ngày cuối tháng 4. Lúc ấy, thành
phố sẽ tiếp thu một lượng bức xạ rất mạnh, gây sự nóng bức toàn vùng. Đó là lý
do cư dân nơi bạn sống đổ về các vùng biển, trong đó có biển của nơi tôi ở,
không chỉ đến cuối tháng 4 này. Từ tháng 2, du khách đến du lịch tại tỉnh khoảng
400.000 lượt, tăng 13% so cùng tháng năm trước. Sang tháng 3 cũng thế, nâng số
lượng khách đến tham quan, nghỉ dưỡng của quý I lên trên 1 triệu lượt, tăng 7,9%
so cùng kỳ. Tháng 4 này, chưa thống kê nhưng dự đoán sẽ tăng với mức cao, vì có
kỳ nghỉ lễ và vì nắng nóng quá mức.
|
Ảnh: N.L |
Từ khi khách Nga sụt giảm, người ta thấy rõ hơn mảng du lịch nội địa vẫn là trụ
cột của ngành du lịch Bình Thuận. Có đến 88% du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng
tại tỉnh là khách nội địa; 12% còn lại là du khách quốc tế. Không biết có phải
vì thế không mà đến thời điểm này, khi Cộng đồng chung ASEAN (AEC) đã chính thức
hình thành hơn 4 tháng, những quy định liên quan đến việc luân chuyển lao động,
trong đó có lao động du lịch cũng như khai thác lợi thế cộng đồng chung để thu
hút khách thì hình như ngành du lịch ở tỉnh vẫn chưa có động tĩnh gì. Soi lại
12% du khách quốc tế đến tỉnh, khách Singapore, Thái Lan, Malaysia, Campuchia…,
những nước trong khối ASEAN xem ra rất hiếm, thậm chí có nước còn không có. Điều
này cũng có thể lý giải do tình hình chung các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành
trong nước, nhất là ở TP.HCM đang lúng túng trong mở thị trường khối này. Chưa
có hướng dẫn viên du lịch nói được ngôn ngữ riêng của các nước ASEAN, rồi có quá
ít văn phòng đại diện hay chi nhánh đặt tại các nước này nên các tour dẫn khách
ASEAN về Việt Nam cũng hiếm, nói chi đến vùng Phan Thiết - Mũi Né. Ở góc độ bị
động, riêng rẽ như tỉnh lẻ thì nguyên do là vậy. Nhưng đứng ở góc độ chủ động
của địa phương thì tình cảnh bây giờ là sự đi sau trong quá trình hội nhập.
Bạn thân mến!
Bây giờ, dạo một vòng quanh TP. Phan Thiết, bạn sẽ nhầm tưởng du khách Nga vẫn
đang đến tỉnh với số lượng lớn như thời hoàng kim những năm trước. Bởi trên bảng
hiệu của một số tiệm buôn, cửa hàng mua bán có ghi tiếng Nga bên chữ Việt. Trên
một số xe taxi cũng thế... Có thể đó là dư âm, là người ta mãi tất bật chưa
chỉnh sửa hay vẫn luyến tiếc hoặc hy vọng thời điểm nào đó khách Nga sẽ quay lại
xôm tụ hơn xưa. Không biết nữa nhưng bạn có cảm giác như tôi không, có nghĩa là
người ta không biết hoặc chưa chuẩn bị gì cả trong việc đón tiếp những dòng
khách có liên quan, có cộng hưởng như AEC? Trong khi người Việt nói chung và dân
Bình Thuận nói riêng thời gian qua đã đi du lịch đến Singapore, Thái Lan,
Campuchia, Lào...trong sự háo hức, tức có dịp là đi lại lần nữa.
Rồi thì cũng đến lúc các công ty lữ hành lớn mở các tour dẫn khách ASEAN về các
tỉnh, thành, trong đó có Bình Thuận. Bạn có nghĩ nếu đã lỡ đi sau thì cần biến
nhược thành ưu không? Đó là chậm mà chắc, bằng cách cơ quan quản lý du lịch cùng
các cơ sở lưu trú ngay bây giờ khởi động những việc làm phối hợp, có tính toán
để đón tiếp các dòng khách này suôn sẻ, hấp dẫn.
Phan Thiết, ngày 23/4/2016
Bích Nghị