Rượu thanh long Bình Thuận

Rượu thanh long Bình Thuận: “Tiếng trước, miếng sau”…

BT- Hội nghị tổng kết 5 năm (2011 - 2015) thực hiện Chương trình hợp tác ngành công thương 3 tỉnh: Bình Thuận - Ninh Thuận - Lâm Đồng và triển khai kế hoạch hợp tác giai đoạn 2016 - 2020 vừa được tổ chức tại TP. Phan Thiết.

Rượu vang thanh long của HTX Thanh long Hàm Đức.
Rượu vang chế biến từ thanh long được Hợp tác xã DV - SX Thanh long Hàm Kiệm giới thiệu tại hội nghị.
Sản phẩm “Thanh long đỏ lên men” của doanh nghiệp Phúc Hà.

Tại hội nghị này, Bình Thuận có đến 3 doanh nghiệp góp mặt giới thiệu rượu thanh long còn khá lạ đối với thị trường ngoài tỉnh và được kỳ vọng sẽ thực hiện kết nối cung cầu hiệu quả ở 3 tỉnh. “Trái thanh long Bình Thuận với đường và nấm men được ủ theo phương pháp lên men truyền thống, tạo nên sản phẩm rượu vang với màu đỏ hồng tự nhiên đối với thanh long ruột đỏ và màu trắng vàng đối với thanh long ruột trắng, hương nồng nàn mà vẫn giữ được vị chua nhẹ pha lẫn ngọt thanh đặc trưng của trái thanh long”. Đó là hai sản phẩm chủ lực của Hợp tác xã Thanh long Hàm Đức (trụ sở tại Hàm Thuận Bắc) giới thiệu đến các quan khách, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia hội nghị. Còn Công ty TNHH Nước ép Phúc Hà (xã Hải Ninh, huyện Bắc Bình) thì tập trung quảng bá sản phẩm “Thanh long đỏ lên men” nguyên chất từ 100% trái thanh long ruột đỏ ở vùng đất này. Doanh nghiệp này giới thiệu: Việc ra đời sản phẩm “Thanh long đỏ lên men” không chỉ đáp ứng nhu cầu thức uống bổ dưỡng có ích cho sức khỏe mà còn đem đến cho cơ thể các chất chống các gốc oxy hóa. Trong khi đó, Hợp tác xã DV - SX Thanh long Hàm Kiệm (Hàm Thuận Nam) cũng liên kết Cơ sở Ngọc Uyên sản xuất ra rượu vang thanh long để “chào hàng”, tìm cơ hội tiêu thụ sản phẩm…

Dễ nhận thấy các doanh nghiệp tại địa phương đầu tư chế biến rượu thanh long nhìn chung đều cố gắng thiết kế mẫu mã, bao bì bắt mắt cho sản phẩm cũng như đưa ra mức giá hợp lý. Dù vậy đến nay, thương hiệu và thị trường tiêu thụ rượu thanh long Bình Thuận chưa được phổ biến, mở rộng so với rượu vang Đà Lạt (Lâm Đồng) hay rượu nho Ninh Thuận… Có ý kiến cho rằng, rượu thanh long Bình Thuận cần lấy “tiếng” trước rồi mới tính đến “miếng” sau, bởi dù gì thì đây cũng là sản phẩm còn khá mới mẻ trên thị trường cả nước nói chung. Thế nên khâu quảng bá cho sản phẩm đặc trưng của tỉnh, nhất là đối với công dụng rượu thanh long Bình Thuận cần được tăng cường đến nhiều người tiêu dùng bằng nhiều hình thức.

QUỐC TÍN