Sôi nổi các hoạt động văn hóa Ch

Sôi nổi các hoạt động văn hóa Chăm dịp tết

BT- Có mặt trong 2 đêm mùng 2 và mùng 3 Tết Nguyên đán Bính Thân tại Trung tâm trưng bày văn hóa Chăm, không khí vui tươi, háo hức của khán giả, cảm giác hồi hộp của các diễn viên không chuyên… Liên hoan “Tiếng hát dân ca Chăm và trình diễn trang phục truyền thống năm 2016” là lần thứ 4 sự kiện được tổ chức, góp phần tạo ra tụ điểm sinh hoạt văn hóa lành mạnh cho nhân dân địa phương và du khách đến vui xuân, cầu lộc đầu năm mới. 44 thí sinh đến từ các xã trong huyện Bắc Bình thể hiện niềm đam mê nghệ thuật của bản thân, tài năng duyên dáng với những ca khúc, giai điệu dân ca mượt mà, sâu lắng đã góp phần tái hiện sinh động cuộc sống, tình yêu quê hương đất nước, quá trình canh tác nông nghiệp của đồng bào Chăm qua các thời kỳ. “Đứng trước làn sóng ào ạt của dòng chảy văn hóa thời đại đã và đang du nhập vào nước ta, việc tổ chức các hoạt động cộng đồng mang đậm sắc thái văn hóa cộng đồng cư dân sẽ góp phần giữ gìn và phát huy vốn văn hóa vật thể và phi vật thể truyền thống của dân tộc Chăm, tạo nên tính phong phú, đa dạng và tô thêm sắc màu văn hóa của các tộc người anh, em trên địa bàn Bình Thuận”, thí sinh Xích Văn Nghiêm (xã Phan Thanh) cho biết.

Du khách tham quan các hiện vật của nền văn hóa Chăm được trưng bày tại trung tâm.
Phụ nữ Chăm trổ tài dệt khăn.

Không chỉ có các tiết mục văn nghệ và trình diễn trang phục dân tộc, Trung tâm còn tổ chức thi tay nghề Gốm và Dệt lần thứ 6 với việc tái hiện cách thức, các công đoạn làm gốm và dệt vải truyền thống. Nhiều nghệ nhân tham dự, trong đó có những phụ nữ mới chỉ đôi mươi nhưng tay nghề đã rất thành thục, thao tác nhanh gọn tạo ra các sản phẩm ngay trước mắt du khách khiến cho không ít người bất ngờ.

Cũng trong dịp Tết Nguyên đán Bính Thân, Trung tâm cũng đã tổ chức tiếp nhận và giới thiệu các hiện vật vừa được sưu tầm, hiến tặng. Nổi bật trong số này là 476 hiện vật do ông Nguyễn Ngọc Ẩn (khu phố 5 – phường Mũi Né) hiến tặng. Các hiện vật được tổ chức sắp xếp thành 58 chủng loại như trang sức có khuyên tai, hoa tai, vòng cổ, nhẫn trơn, nhẫn ma ta, hạt chuỗi…, công cụ sản xuất có mũi lao, lưỡi kiếm, lưỡi rìu, lưỡi dao, lưỡi cagat.., nhiều bộ chén, đĩa, bát, âu gốm gò sành, hộp đựng trầu cau, chuông, hủ vôi….với đa dạng các loại chất liệu như đất nung, sành, gốm, men nâu, đá, sắt, vàng, bạc, đồng đến thủy tinh, nhựa và võ nhuyễn thể. Đặc biệt có các hiện vật được giám định thời gian ra đời từ thế kỷ thứ VII như chén lục giác, mâm không vành. “Các hiện vật quý này sẽ dần thay thế các hiện vật phục chế vốn chiếm đa số trong trung tâm trưng bày, góp phần đa dạng các chủng loại hiện vật, qua đó phục vụ du khách tham quan, các nhà khoa học đến tìm hiểu, nghiên cứu về văn hóa Chăm”, Giám đốc Trung tâm trưng bày văn hóa Chăm Lâm Tấn Bình cho biết.

Tính đến mùng 10 tết (ngày 17/2), đã có hơn 3.500 khách du lịch đến tham quan, tìm hiểu văn hóa Chăm, trong đó có khách nước ngoài. Đây là tín hiệu mừng trong những ngày đầu năm mới.

ĐÌNH HẬU