Đôi điều về địa danh Láng Gòn

Đôi điều về địa danh Láng Gòn

BT- Láng Gòn hiện nay bao gồm 2 thôn của xã Tân Xuân, huyện Hàm Tân là Láng Gòn 1 và Láng Gòn 2 nằm giáp với thị xã La Gi. Ngoài 2 thôn, trên địa bàn Láng Gòn còn có cây cầu  mang tên “Láng Gòn”,  đây một trong những cây cầu đóng vai trò quan trọng trong việc lưu thông trên tuyến quốc lộ 55.

Trong một số văn bản của xã Tân Xuân có văn bản ghi là thôn “thôn Láng Gòn…”, có văn bản lại ghi là “thôn Láng Goòn…”. Các công trình xây dựng trên địa bàn cũng vậy. Ví dụ, hội trường thôn thì ghi là “Trụ sở thôn Láng Goòn”, còn chiếc cầu thì ghi là “cầu Láng Gòn”. Vậy thì chính xác là “Láng Gòn” hay “Láng Goòn” ?

Hiện nay có hiện tượng “lạ hóa” các địa danh. Ví dụ như cầu Cô Kiều thì được lạ hóa thành cầu “Kô Kiều”, thôn Láng Gòn thì bị lạ hóa thành “thôn Láng Goòn”. Thực ra “Láng Goòn” không có nghĩa gì, còn “Láng Gòn” nghĩa là láng có nhiều cây gòn, hiện nay một vài cây gòn cổ thụ vẫn còn sót lại ở đầu cầu Láng Gòn, như minh chứng cho sự hình thành tên gọi xưa. “Láng” có nhiều nghĩa, trong đó có nghĩa là “nhiều, tràn đầy”. Ví dụ như dân gian hay gọi “Láng đá” là vạt đất có nhiều cây gỗ sơn đá, hay “Láng sen” là vùng đất có rất nhiều sen.

Lý do để “lạ hóa” địa danh Láng Gòn thực ra không phải người gọi muốn thế. Tất cả các tên gọi đều mang âm ngữ của địa phương hoặc bị âm ngữ của địa phương làm chệch đi. Trên vùng đất Tân Xuân đa số là người miền Trung vào lập nghiệp, sống thành từng cộng đồng từ trước năm  1975. Đối với  người miền Trung thì việc phát âm từ “on” thường thành từ “oon”, do vậy khi họ gọi “Láng Gòn” thành ra là “Láng Goòn”.

Mặt khác, khu vực 2 thôn Láng Gòn 1 và Láng Gòn 2 trước đây có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống, trong đó có người Chăm với dấu tích để lại là đền thờ Chúa Chàng Râu nằm  bên đầu cầu Láng Gòn. Và hiện 2 thôn Láng Gòn 1 và Láng Gòn 2 là thôn dân tộc xen ghép, với sự định canh của người Rai và người Kinh. Người Rai sống ở khu vực này khỏang 200 hộ. Các thế hệ lớn lên sau này hoặc những người vùng khác không hiểu “Láng Gòn”, vì những cây gòn đã dần dần biến mất, rồi lại thường xuyên nghe từ “Láng Goòn” do những người địa phương gọi, mặc dù không hiểu nghĩa là gì, nhưng họ vẫn gọi theo vì nghĩ rằng đó  là địa danh cổ của người dân tộc thiểu số.

Từ việc phát âm bị chệch  đi, nghe quen tai, viết quen tay đến hiểu đây là một địa danh cổ là hiện tượng khá phổ biến. Như nói ở trên, “Kô Kiều” của xã Tân Thắng cũng là một hiện tượng có tính tương đồng, từ phát âm lệch dẫn đến việc hiểu đây là địa danh cổ của người Chăm. Như vậy “Láng Goòn” chính là “Láng Gòn” bị gọi chệch đi. Việc chuẩn hóa lại địa danh này là điều cần thiết.

 Huỳnh Ngọc Nghĩa