Gặp nghệ nhân ưu tú Thổ Đồng
Gặp nghệ nhân ưu tú Thổ Đồng
BT- Lần đầu tiên, Bình Thuận có 9 cá nhân được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ký
quyết định phong tặng Nghệ nhân ưu tú, trong đó có ông Thổ Đồng, ngụ tại thôn
Châu Hanh, xã Phan Thanh (Bắc Bình). Chúng tôi đã tìm đến nhà ông Thổ Đồng để
cùng ông trò chuyện về những gì ông đã làm cho nghệ thuật.
Nhờ sự dẫn đường của một người dân địa phương, chúng tôi được ông tiếp tại nhà,
sau khi ông ở ngoài ruộng về.
Trong căn nhà cấp 4 có vẻ như đang xuống cấp là hàng loạt các loại nhạc cụ mà
ông tự hào là tài sản của mình. Đó là những chiếc đờn nhị, trống Ghi-năng, trống
Paranưng, kèn, sáo… được ông tạo ra trong một số năm.
Xuất phát từ ý nghĩ giữ gìn và phát huy các loại nhạc cụ dân tộc mình, ông Thổ
Đồng, tìm thầy học hỏi, gần 15 năm nay. Chơi nhạc cụ đã khó nhưng chế tác nhạc
cụ lại càng khó hơn. Nó đòi hỏi người làm phải am hiểu tường tận từng thanh âm,
nốt nhạc, phải am hiểu từng loại nhạc cụ về không gian, thời gian sử dụng.
Nghệ nhân ưu tú Thổ Đồng tâm sự: “Cùng một cây gỗ nhưng khi làm ra hai chiếc
trống thì nó không cùng một âm thanh, tiếng đực, tiếng cái rõ ràng. Gỗ ở gần gốc
cây kêu khác, gần ngọn cây kêu khác, phải tinh ý và khả năng cảm âm tốt mới tạo
ra hai chiếc trống có đồng thanh âm”.
Nếu các loại nhạc cụ khác, người thợ có thể tìm mua những vật tư, thiết bị về để
gắn, ráp sau đó điều chỉnh âm thanh nhưng với nhạc cụ dân tộc thì việc tìm kiếm
vật tư thiết bị không hề dễ. Để làm được cái trống Ghi-năng hay trống Paranưng
ông phải sưu tầm, tìm kiếm vật liệu nhiều năm trời. Từ da thú, gỗ cũng phải lựa
chọn tỉ mỉ, phù hợp để khi kết hợp lại nó tạo ra âm thanh như ý. Hay như chiếc
kèn, để làm ra nó, ngoài việc đục, đẽo, khoan những khúc gỗ, ông phải tìm kiếm
những chiếc là buông ưng ý, tìm những chiếc ống trong các bình phun tưới thuốc
trừ sâu để có những âm thanh chuẩn nhất.
Với sự đam mê và nặng lòng cùng nhạc cụ dân tộc, Thổ Đồng đã làm ra biết bao
loại nhạc cụ dân tộc để rồi những ngày lễ hội, những ngày liên hoan hội họp, âm
thanh của tiếng kèn, tiếng trống vang lên mời gọi đồng bào dân tộc thiểu số sum
họp, cùng nhau đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tình thần ở cơ sở. Những đóng
góp của Thổ Đồng hôm nay đã được ghi nhận bởi phần thưởng cao quý của Nhà nước.
Mộc mạc, giản dị, và chân thành là những gì chúng tôi cảm nhận được từ tân Nghệ
nhân ưu tú này. Trong khi nhiều trào lưu văn hóa mới, loại hình nghệ thuật mới
đang xuất hiện ngày càng nhiều thì việc một lão nông âm thầm lặng lẽ chế tác ra
các loại nhạc cụ để duy trì và phát huy những giá trị văn hóa phi vật thể là
điều rất đáng trân trọng.
Ngọc Tỵ