Nghĩ về địa danh Ngảnh Tam Tân
Nghĩ về địa danh Ngảnh Tam Tân
BT- Đó là một đoạn bờ biển có cảnh quan đẹp. Cách xa bờ khoảng 50m nổi lên một
cụm đá lô nhô như đang khỏa mình với những làn sóng êm ả không ngớt dội vào.
Ngảnh Tam Tân thuộc xã Tân Tiến cách trung tâm thị xã La Gi khoảng 12 km. Đây
cũng là địa danh nổi tiếng gắn liền với khu di tích Dinh Thầy Thím huyền thoại
và nay đã trở thành điểm đến hấp dẫn cho khách du lịch tâm linh kết hợp nghỉ
dưỡng.
|
Ngãnh Tam tân. Ảnh minh họa |
Không những với khách xa đến mà kể cả người địa phương vẫn đặt ra những câu hỏi
về địa danh Ngảnh Tam Tân? Với người dân bản địa thì đã trở thành quen thuộc
nhưng khi gợi lại mới thấy thật sự bồi hồi tưởng chừng đang trở về với vùng đất
“địa linh” của người xưa thuở còn hoang sơ. Từ “ngảnh” ở đây là chỉ về một địa
hình thiên nhiên rất đặc trưng. Nhưng với ngữ âm thường gặp khi nói về địa hình
dọc dài vùng biển từ miền Bắc vào Nam chưa ở đâu có từ “ngảnh”. Địa hình ghềnh,
gành, mỏm, mỏ, mũi… là phần đất có đá từ bờ nhô ra sông, biển thì có nhưng
“ngảnh” thì lại không. Kể cả trong sách Đại Nam nhất thống chí biên soạn từ giữa
thế kỷ 19 dưới triều Nguyễn, khi viết về cảnh quan bờ biển này cũng với cách gọi
thông thường: “Ngoài cửa tấn có ghềnh đá, gọi là mỏ Ma Ly…” tức tên gọi cửa sông
Phan trổ ra biển (khu vực Ngảnh Tam Tân) ngày xưa. Tìm hiểu về cư dân vốn từ
nhiều vùng miền tụ nghĩa sinh sống nơi này lập nên làng chài Tam Tân nằm tiếp
giáp với cánh rừng dầu Bàu Thông, Đường Ván với bao chuyện kỳ bí, để rồi có thể
liên hệ đến từ “ngảnh”. Đây là một từ thuần Việt, do đọc trại từ “ngoảnh, nghển,
ngẩn” (đồng âm đồng nghĩa) biểu thị trạng thái nhưng vì mô phỏng vào địa hình,
thế đứng của một mỏm đá mà “ngảnh” đã trở thành địa danh. Nguyên sơ mỏm đá nằm
trên phần đất liền lấn ra biển nhưng do quá trình bị thủy triều xâm thực tạo nên
một “cù lao” nhỏ tách biệt. Vị trí mỏm đá tạo nên khúc gãy của bờ biển dài bởi
mỏm đá xoay ngược về một hướng. Chim biển thường tụ về đây để phơi cánh dưới
nắng trời và ríu rít tìm mồi nên mới có tên Mỏm đá chim là vậy. “Ngảnh” được coi
là “tiểu loại địa danh” trở thành một thành tố của địa danh hành chánh Tam Tân.
Do cách đọc trại của người dân bản địa thường thấy qua các địa danh trong vùng
như Phù Trì thành Phò Trì (làng Chăm Tân Thắng), Bà Đặng thành Tà Đặng (ngọn núi
nhỏ Tân Thành), Khê thành Kê (Kê Gà) hoặc tương tự từ cách phát âm như Loáng
choáng thành Láng cháng, Vồng thành Giồng (Giồng Trôm)… cho nên chữ “ngảnh” cũng
xuất phát từ cách phát âm của từ “ngoảnh, nghển” là vậy. Ở Bình Thuận, với các
đồi cát cao ven biển đều được gọi đó là “động”, không phải theo nghĩa là hang
sâu trong núi đá mà do bị chệch âm, đọc từ “đụn” (đụn cát, đụn đất, đụn rơm…) mà
ra.
Địa danh Tam Tân là tên của một làng biển ngày xưa, nay chỉ là một thôn của xã
Tân Tiến có bờ biển Ngảnh Tam Tân. Theo tổ chức hành chánh xưa làng được gọi
chung cho phường, thôn , xã, giáp. Từ khoảng giữa thế kỷ 19, vùng đất phía Nam
Bình Thuận chỉ rải rác một số làng thuộc tổng Đức Thắng, huyện Tuy Định, phủ Hàm
Thuận. Trong đó có Tân Hải thôn, Tân Nguyên phường (còn gọi là Tân Ngươn, Tân
Hoàng) và Tân Quý phường. Sau đó hình thành làng Tam Tân bằng sự sáp nhập ba
làng này. Địa danh hành chánh Tam Tân được ghép từ 3 chữ Tân đứng đầu của ba tên
làng trước đó. Về diện tích tự nhiên theo mô tả trong địa bạ xưa bao gồm phần
đất các xã Tân Hải, Tân Tiến, Tân Bình ngày nay. Khoảng từ năm 1895, thời vua
Thành Thái, phần đất ấp Liên Trì thuộc xã Tam Tân được cắt ra và lập nên thôn
Công giáo Tân Lý, là xứ đạo đầu tiên ở La Gi.
Để có được khái niệm về một ngữ âm “Ngảnh” trong địa danh “Ngảnh Tam Tân” của
một vùng đất hẻo lánh từ hơn trăm năm, quả thật khó tìm thấy trên di bản chính
thức mà chỉ dựa trên cơ sở địa bạ sở hữu của hộ gia đình, tôn giáo ở địa phương.
Do đó người viết cũng chưa dám xác định giá trị lịch sử của một địa danh có tính
cá biệt này, nhưng có thể coi đây là một tiền đề cho việc nghiên cứu tiếp theo.
PHAN CHÍNH