Mai quê
Mai quê
BT- Tôi không sinh ra ở Đức Linh,
nhưng 35 năm sống ở đó, lâu rồi trở thành miền đất nhớ. Đức Linh đã trở thành
quê hương thứ hai của mình. Những ai ăn tết xa nhà lòng vẫn bâng khuâng một nỗi
niềm không lý giải. Cho đến khi trở về lại Đức Linh, phóng xe ngang dọc trên
các con đường quê vào ngày trước tết mới tìm ra được cội nguồn của nỗi nhớ vấn
vương: đó là cái tết ở quê, sinh hoạt quê, bạn bè quê và trời ơi vàng một sắc
mai quê. Đức Linh bây giờ thay đổi lắm. Nhà cửa khang trang, đường sá rộng lớn,
phương tiện giao thông đông đúc nhưng sắc vàng của mai quê thì không thay đổi.
Sắc vàng ấy đã trở thành gần gũi trong đời sống tinh thần, trở thành nét văn hóa
trong đời sống tâm linh của mọi nhà.
|
Mai vàng trước nhà. |
…Nỗi nhớ trong tôi về một loài hoa:
là sự da diết nhớ về mai quê, mai Đức Linh. Nếu có dịp đi suốt một vòng các con
đường làng, ta phát hiện ra nhà nào cũng có một vài cây mai trồng ở trước sân.
Một thứ mai giản dị, đơn giản nó xuất hiện như một lẽ tự nhiên trong đời sống
người dân. Không cần săm soi, uốn tỉa. Cứ thế mai lớn lên với những trò chơi con
trẻ trước sân nhà.
Đức Linh không phải là địa phương
duy nhất trồng mai, chơi mai. Nhưng không phải vô cớ mà giữa nhiều địa phương
trồng mai như Hóc Môn, Củ Chi, Bình Định, mai Đức Linh cũng được kể tên trong
danh sách chơi mai và nhiều cao thủ chơi mai tìm về. Mai Đức Linh trở thành loại
mai địa phương có sức sống khỏe, bông to, cánh dày vì gốc gác là mai rừng được
trồng hàng vài chục năm thuần hóa.
Hàng năm cứ đến ngày 14 hay 15 tháng
chạp, mọi nhà tíu tít ới gọi nhau nhắc con cháu lặt lá, cắt cành chờ ngày mai
nảy nụ. Cũng có năm mai nở không đúng hẹn. Nhưng mai nở sớm hay nở muộn một vài
hôm không việc gì phải băn khoăn như dân chơi chuyên nghiệp. Với mọi người dân
quê mai vàng có cả một tiết xuân. Chơi mai với cả “ba ngày tết, bảy ngày xuân”,
có khi kéo ra cả nguyên tiêu vẫn còn kịp. Vậy là mai cứ thả sức nở, cứ bám vào
đất mà rút mật ươm nụ, nảy bông. Dưới tán những cây mai, những chiếc bàn thiên
chưng đầy lễ vật gia chủ cúng năm mới, bày tỏ lòng mình với trời đất, tổ tiên.
Và cùng với triết lý giản đơn như thế cây mai vàng đã sinh sôi nảy nở mà gắn bó
với con người. Có những “lão mai” có đến trăm năm tuổi. Cũng đã có những cây mai
vì khó khăn mà người làng bán đi với giá vài trăm triệu đồng. Ngày người ta cẩu
chở mai đi, nhiều người đã đến chia tay trong cảm xúc bùi ngùi ly biệt.
Mai quê không kiểu cách và cũng
không khó tính như những cây mai trồng chậu của những người chơi sành điệu. Mai
quê không chỉ đẹp ở một cành, một cây mà đẹp cả một trời sắc vàng nối dài theo
xóm. Cây nối cây, nhà nối nhà cả một vùng rộng lớn. Đủ để giữ vẻ tôn nghiêm của
không gian thờ cúng, đủ sức hàm chứa niềm vui sống, sự tự tin của ấm no trù phú.
Cứ thế nhiều năm nay, những lứa mai vàng nối tiếp nhau gắn bó với mọi người dân
và xứng đáng được xếp vào loài cây quý: cây phong thủy của làng.
Và cứ thế bao nhiêu năm nay mai quê
đã cùng người dân Đức Linh chịu nhiều nắng, gió, mưa, bão nhưng vẫn vững vàng
theo năm tháng, vươn sức sống để đâm chồi nảy lộc dường như là nét tượng trưng
cho phẩm chất nhẫn nại, kiên trì và can đảm trước mọi khó khăn thử thách của con
người. Mỗi độ xuân về, hoa mai vàng chớm nụ chuẩn bị khoe sắc thì cũng là lúc
những thành viên trong gia đình lại được tụ họp, quây quần bên nhau. Mai vàng
Đức Linh luôn giữ nét đẹp riêng của mình, một nét đẹp văn hóa truyền thống và
tâm linh mà trải qua nhiều nhiều năm lao động cần cù người dân mới tạo dựng nên
đó. Làng có thể thành phố, những ngôi nhà ngói xưa có thể được thay bằng những
ngôi nhà nhiều tầng bề thế, nhưng tôi tin rằng mai quê vẫn tồn tại và phát triển
tầng tầng lớp lớp trong đời sống văn hóa của người dân.
Đinh Đình Chiến