Thú chơi người Bình Thuận

Thú chơi người Bình Thuận: Nuôi gà rừng, “đúc” gà đá

BT- Gà mái rừng (hoặc lai rừng) giao phối với gà nòi chuẩn sẽ tạo ra giống gà đá  giỏi chịu đòn, thường hay có cú song cước nhắm thẳng yết hầu của đối thủ mà đá, vì vậy dân nuôi gà đá thường lặn lội  mua gà mái rừng,  hoặc lai rừng để “đúc” gà nòi con.

Nuôi gà rừng. Ảnh: H.T.T

Thôn An Vinh, xã Sông Phan (Hàm Tân) một ngày nắng như đổ lửa. Từ sáng sớm xuất hiện 3 thanh niên đi  mô tô loại cao phân khối hỏi đường vào rẫy ông Hòa nằm sâu trong núi Nhọn. Chị Lê Thị Trinh, người dân trong  thôn, một phần vì tò mò,  phần muốn giúp mấy thanh niên đã dẫn họ đến nơi cần tìm. Ông Hòa và một người con trai ngoài 30 tuổi có phần bất ngờ khi nghe khách giới thiệu từ Đồng Nai ra, nhưng sau đó ông hiểu được vì sao họ cất công đi tìm nhà ông. Số là, người con thứ hai của ông đang ở Phan Thiết, làm nghề “đúc” gà  đá.  Công việc của anh này là sưu tầm các con gà “chiến”, cho phối giống với gà mái tơ để cho ra lớp gà nòi con, rồi tìm mối bán. Công việc ấy đủ nuôi sống gia đình anh vì nhiều người đang có thú chơi gà đá. Năm ngoái, người con đó về thăm nhà, đã xin ông một con gà mái rừng, sau đó cho giao phối với gà nòi để “đúc” ra giống gà đá lai gà rừng, đặt tên là gà nòi An Vinh. Gà nòi An Vinh khi ra Bình Định thì thắng liền mấy trận lớn, vì vậy tiếng lành đồn xa. Người con thứ hai của ông Hòa “thừa thắng xông lên” động viên cha bẫy gà rừng (trống lẫn mái), cung cấp giống tốt cho công việc của anh. Nghe lời con, từ năm ngoái đến nay ông Hòa  bẫy được vài con trống và vài con mái. Ông cho những cặp gà này giao phối nhau hiện tạo được đám gà rừng con thuần chủng, khỏe mạnh trong điều kiện nuôi bán tự nhiên. Không biết bằng cách nào đó, những người nuôi gà đá biết được, đặt hàng. Họ cho ông giá một con gà con vừa bằng nắm tay hoặc hơn một chút là 500.000 đồng. Thoạt đầu, thấy mình chỉ tốn công đi bẫy, và nếu bán đi cả đàn gà con sẽ được trên 5 triệu đồng, ông toan bán đi cả đàn thì người con thứ hai đề nghị  giữ lại vì theo anh “Ba sẽ bán được trên 700.000 đồng một con do đây là hàng hiếm”. Ba thanh niên ở Đồng Nai tìm đến nhà ông không ngoài mục đích ấy. Quả như vậy, khi ông thả lúa dụ đàn gà con đến bên con trống (luôn được buộc chân vì chỉ cần nghe tiếng gáy “khích tướng” của đồng loại con trống sẽ bay đi) thì họ trầm trồ, chỉ chỏ ra điều thích thú. Một cuộc trao đổi chớp nhoáng diễn ra. Ba thanh niên đề nghị ông cung cấp gà rừng thuần chủng một cách liên tục, nếu được. Họ  hứa bất cứ con gà nào có hai dái tai màu trắng, lông sặc sỡ chân màu chì sẽ được mua giá cao (đặc điểm của gà rừng). Buổi sáng hôm ấy, sau khi trao đổi với con trai, ông Hòa chỉ đồng ý bán: 3 con gà mái rừng cho 3 thanh niên vì người con của ông vẫn muốn giữ lại đa số!

Được biết, tại thôn An Vinh, xã Sông Phan; thôn Đông Thuận, xã Tân Hà (Hàm Tân) hiện nay có một số người chuyên đánh bẫy gà rừng. Nghề đánh bẫy gà rừng vừa là thú vui, vừa là nguồn kinh tế nếu bẫy được gà hay. Mỗi con gà rừng (trống) nếu không dùng phối giống thì làm gà mồi. Giá mỗi con gà mồi hay (gáy to và  tiếng gáy vang xa, chịu đá, chịu khiêu khích đồng loại để chúng tìm đến đá, rồi sập bẫy) thường từ 3 - 4 triệu đồng con.

Hà Thanh Tú