Câu chuyện Công chúa Bàn Tranh ở

Câu chuyện Công chúa Bàn Tranh ở đảo Phú Quý

BT- Ở xã Long Hải, huyện đảo Phú Quý có ngôi đền thờ một vị công chúa, mà nhân dân địa phương thường gọi là miếu Bà Chúa. Ngày 28/1/2015 Miếu Bà Chúa đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia. Theo dân trên đảo, ngôi miếu này rất linh thiêng và nó gắn liền với một câu chuyện bi thương của người con gái tài sắc thuộc dòng dõi hoàng tộc Champa. Người con gái ấy chính là Bàn Tranh mà theo truyền thuyết  là con của vua Indravarmar III  (918 - 959).

Đền thờ Công chúa Bàn Tranh bên chân núi Cao Cát.
Chính điện Đền thờ Công chúa Bàn Tranh.

Mới đây, chúng tôi có dịp đến viếng Miếu Bà Chúa, được nghe kể lại câu chuyện về Bà. Mặc dù là câu chuyện truyền thuyết, nhưng từ bao đời qua người dân trên đảo Phú Quý đã thuộc nằm lòng.

Vào một ngày nọ, vì lý do cãi lại thánh chỉ của vua cha nên Bàn Tranh công chúa bị khép vào tội phản nghịch, phải chịu cảnh lưu đày tới nơi biên ải, vĩnh viễn không được trở về. Dù phép nước nghiêm cẩn, nhưng vì thương con nên vua cha lệnh cấp cho hai tỳ nữ, một số vật dụng như: lều, bạt, dụng cụ lao động, một số hạt giống và lương thực đủ dùng trong một năm. Sau một thời gian dài ngược sóng lênh đênh trên biển, đoàn thuyền áp giải người con gái phạm luật triều đình cũng đã cập bến, đến đảo an toàn.

Khi thuyền cập bến, Phú Quý hiện ra là một hòn đảo hoang sơ, vắng vẻ và trơ trọi vô cùng! Trên đảo lúc bấy giờ chỉ toàn là cây rừng, cỏ dại mọc um tùm; cộng thêm có gió bấc thổi mạnh và cái rét cuối năm nên quang cảnh xứ đảo chiều đông càng thêm hoang tàn, xơ xác. Cảnh vật ấy càng khiến làm cho lòng người đi đày càng thêm cô quạnh.

Nhưng âu là số phận đã định, Bàn Tranh công chúa cùng tỳ nữ của mình tìm nơi dựng lều, quyết định an trụ và bắt đầu công cuộc khai hoang phục hóa, trồng trọt mưu sinh. Một túp lều bằng cỏ tranh nằm nép mình bên chân núi Cao Cát thuộc thôn Đông Hải, xã Long Hải hiện nay đã được dựng lên để che sương gió, nắng mưa.

Trời không phụ lòng người, từ một hòn đảo hoang vu, cỏ dại mọc nhiều, nhờ sức người khai phá, chăm bón, tưới tiêu đã trở thành vùng đất trù phú, được phủ bởi màu xanh mượt mà của những nương khoai, bắp, đậu... Đặc biệt, là màu xanh giống lúa cạn (lúa đỏ) và bông để dệt vải Bạch bố dùng để nộp thuế cho triều đình mà sách Đại Nam thực lục và Đại Nam nhất thống chí (2 bộ chính sử do triều Nguyễn (1802 - 1945) biên soạn) đề cập.

Thời gian thấm thoát trôi qua, những cánh buồm xuôi ngược, từ các tỉnh miền Trung, ngư dân người Việt đi biển tránh bão tố ghé nơi đây ẩn nấp, thấy đất lành nên họ ở lại làm ăn. Từ đây, nhiều làng mạc, xóm thôn được mọc lên ngày càng nhiều.

Do có công đầu trong việc đưa lên đảo Phú quý những giống cây lương thực, hoa màu và hướng dẫn người dân trên đảo khai khẩn đất đai làm ruộng vườn, hình thành xóm làng và chỉ dạy người dân cách trồng trọt, làm các nghề thủ công. Với những công lao to lớn đó, nhân dân trên đảo đã tôn vinh, gọi là Bà Chúa đảo.

Sau khi Bà mất, để tưởng nhớ công ơn người dân đã xây đền thờ Bà. Hàng năm đúng vào ngày mất của Bà, nhân dân Phú Quý mở hội tại đền thờ, trước là để tri ân công đức Bà, sau là để những người con của đảo có dịp gặp gỡ, vui chơi và cùng hướng tới những giá trị cội nguồn tốt đẹp của dân tộc.

Do khi sống có nhiều công trạng trong việc khai khẩn đất đai, quy tụ nhân dân hình thành xóm làng, khi mất đi linh hiển bảo vệ vùng biển phía Nam của Tổ quốc, hộ trì dân đi biển tai qua nạn khỏi trong nhiều trận bão tố, nên công đức của Bà được truyền tụng:  Hạnh đức của Bà đời chiêm ngưỡng ngàn năm tôn kính; Công ơn sự nghiệp độ linh thiêng muôn thuở còn ghi.

Các vua triều Nguyễn cũng đã phong Bà là Hiển dũng Chương uy Hùng nghị Đoan túc chi Thần, từ đời vua Minh Mạng (1820-1840) cho tới vua Khải Định (1916-1925) tặng cho Bà 8 sắc phong, giao cho nhân dân đảo Phú Quý thay nhau hương khói, phụng thờ.

Ngày nay tuy người Chăm không còn sinh sống trên đảo, nhưng câu chuyện về nàng công chúa Chăm đã trở thành tấm gương sáng, đi vào tâm thức người dân mà cho đến hôm nay danh thơm tiếng tốt vẫn được gìn giữ và trao truyền cho hậu thế.

THÀNH DANH