Chùa núi Tà Cú

Chùa núi Tà Cú (Hàm Thuận Nam): Từ tổ sư Bồ Đề Đạt Ma đến tổ Hữu Đức

BT- Hiện nay hầu hết các chùa ở Phan Thiết, Bình Thuận đều có thờ ảnh tổ sư Bồ Đề Đạt Ma và tổ Hữu Đức, khai sơn Linh Sơn Trường Thọ tự. Thiền tông từ tổ Đạt Ma đến tổ Hữu Đức (đời thứ 40 dòng thiền Lâm Tế chi phái Liễu Quán) theo con đường nào, có lẽ cũng nhiều người muốn biết.

Toàn cảnh Linh Sơn Trường Thọ tự. Ảnh H.H

 Sơ tổ thiền tông Trung Hoa

Khởi từ Đức Phật Thích Ca, thiền tông Ấn Độ truyền đến tổ Bồ Đề Đạt Ma được 28 đời. Vâng lệnh thầy, năm 520 Tổ sang Trung Quốc để hoằng đạo. Trước đến Kim Lăng kinh đô nhà Lương. Lương Võ Đế hỏi Tổ:

 - Trẫm lập nhiều chùa, cúng dường tăng nhân, sao chép kinh kệ vậy có công đức gì không?

Tổ Đạt Ma đáp: - Không có công đức gì cả!

Vua hỏi: Vì sao?

Tổ đáp: Nhà vua bỏ cái này để cầu cái khác. Phải không mong cầu gì cho mình mới có công đức.

Tổ biết Lương Võ Đế không lĩnh hội được, nên bỏ sang nước Ngụy lên chùa Thiếu Lâm trên núi Tung Sơn, ngồi quay mặt vào vách đá nhập định.

Sau có Thần Quang đại sư dốc lòng cầu đạo, tương truyền đã chặt một cánh tay để tỏ quyết tâm, được tổ thu nhận làm đệ tử đầu tiên và đổi tên là Huệ Khả.

Tổ Đạt Ma đề xướng yếu chỉ thiền tông bằng bài kệ (tạm dịch):

“Không lập văn tự/ Truyền ngoài kinh điển/ Chỉ thẳng tâm người/ Thấy tánh thành Phật”.

Quan thái thú Dương Huyễn Chi sùng Phật pháp, hỏi Tổ:

- Thầy ở Ấn Độ được kế thừa làm tổ, vậy thế nào là tổ xin thầy dạy cho?

Ngài đáp:

- Rõ được tâm tông của Phật, không lầm một mảy, hạnh và giải hợp nhau, gọi đó là tổ.

Tương truyền Tổ Đạt Ma khi truyền y bát cho đệ tử là Huệ Khả xong, ngài thị tịch ngày 9/10/529. Nhục thân ngài táng ở chùa Định Lâm, núi Hùng Nhĩ.

Bửu tháp tổ Hữu Đức và mộ bạch hổ trên đỉnh núi Tà Cú. Ảnh H.H

 Lục tổ Huệ Năng

Tổ Đạt Ma được tôn là sơ tổ thiền tông Trung Hoa. Từ nhị tổ Huệ Khả truyền đến ngũ tổ Hoàng Nhẫn, thiền tông Trung Quốc đã phát triển nhưng chưa lớn mạnh. Sau có Huệ Năng là người không biết chữ, đi bán củi nghe lỏm được câu kinh Kim cang: “Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm” (Đừng bám vào cái gì mà để lòng vào) liền khai ngộ. Ngài tìm đến chùa Đông Thiền ở Hoàng Mai gặp tổ Hoàng Nhẫn. Tổ hỏi cầu xin gì, Huệ Năng đáp chỉ cầu làm Phật, tổ bèn cho xuống bếp bửa củi, giã gạo. Huệ Năng chăm chỉ làm việc không nề hà gì. Khoảng 8 tháng sau, nghe kệ của Huệ Năng, tổ biết đã ngộ nên nửa đêm gọi vào truyền y bát làm tổ thiền tông thứ 6, dạy lánh về phương Nam.

Năm 713 tổ Huệ Năng thị tịch. Tương truyền ngài có đến 42 đệ tử ngộ đạo. Y bát không trao truyền nữa như lời tổ Hoàng Nhẫn đã dặn. Từ đó các thiền sư kế tục lại phát triển thành 5 tông phái thiền  mới là: Lâm Tế, Quy Ngưỡng, Tào Động, Vân Môn, Pháp Nhãn, trong đó Lâm Tế là tông lớn mạnh nhất.

 Thiền tông Lâm Tế và chi phái Liễu Quán

Vào thế kỷ XVII, các cao tăng Trung Hoa tông Lâm Tế như thiền sư Nguyên Thiều Siêu Bạch (đời thứ 33), thiền sư Minh Hoằng Tử Dung (đời thứ 34) đã sang hoằng hóa tại Đàng Trong. Tại đây, nổi lên có thiền sư người Việt là Liễu Quán (đời thứ 35 tông Lâm Tế) người tỉnh Phú Yên. Xuất gia năm 12 tuổi, năm 32 tuổi gặp thiền sư Minh Hoằng Tử Dung tại chùa Ấn Tôn, Thuận Hóa (chùa Từ Đàm, Huế) được Tử Dung truyền công án: “Vạn pháp quy nhất, nhất quy hà xứ” (Vạn pháp về một, một về chốn nào). Liễu Quán trở về ngày đêm thiền quán suy ngẫm, đến 5 năm sau mới tỏ ngộ. Liền đến gặp thiền sư Tử Dung đọc kệ: “Sớm biết đèn là lửa, cơm chín đã sôi rồi” được Tử Dung hài lòng ấn chứng.

Thiền sư Liễu Quán (1670 - 1742) là người đã Việt hóa tông Lâm Tế thành  dòng  Lâm Tế chi phái Liễu Quán, làm cho thiền phái này trở thành một dòng thiền lớn mạnh của đa số Phật tử ở Đàng Trong (từ Quảng Bình đến Cà Mau).

Tương truyền khi thiền sư Liễu Quán hoằng hóa ở chùa Viên Thông dưới chân núi Bằng ở Thuận Hóa, vì ngài không chịu vào phủ, chúa Nguyễn Phúc Khoát muốn nghe pháp, thường lui tới chùa, nên núi Bằng được đổi tên là núi Ngự Bình.

 Thiền sư Hải Bình Bảo Tạng và tổ Hữu Đức

Cao đệ của thiền sư Liễu Quán là Hòa Thượng Tế Trừng là người truyền dòng Lâm tế Liễu Quán vào Bình Thuận. Tiếp nối dòng thiền này ở Bình Thuận là Thiền sư Hải Bình Bảo Tạng và tổ Hữu Đức, là những người có nhiều công tích, làm thiền tông Phật giáo lớn mạnh tại Bình Thuận.

Thiền Sư  Hải Bình Bảo Tạng (đời thứ 40 dòng Lâm Tế - Liễu Quán) quê ở  Phú Yên. Thiền sư tu thiền định trong một hang đá trên núi Linh Sơn thuộc huyện Tuy Phong tỉnh Bình Thuận khoảng năm 1835 - 1836. Ngài đến hoằng hóa tại núi Cổ Thạch, được dân địa phương lập chùa Cổ Thạch để hóa đạo. Sau ngài vào phía Nam, được tổ Hữu Đức mời về chùa Kim Quang (tại làng Bàu Trâm gần mũi Kê Gà). Sau khi phú pháp cho tổ Hữu Đức, thiền sư tiếp tục vân du về phía Nam.

Tổ Hữu Đức (1812 - 1887) đời thứ 40 dòng Lâm Tế - Liễu Quán, quê ở Phú Yên  xuất gia năm 17 tuổi, thọ giới quy y với ngài Trí Chất đại sư, được ban pháp danh là Hải Ấn. Sau khi sư phụ viên tịch, tổ cầu pháp với hòa thượng Phổ Quang được thầy cải pháp danh là Thông Ân. Năm 1939  tổ tu ở  làng Bàu Trâm gần mũi Kê Gà, cứu dân làng thoát nhiều bệnh tật, được dân chúng dựng chùa Kim Quang (nay không còn) thỉnh ngài trụ trì ở đây (khoảng 30 năm). Khi gặp thiền sư Hải Bình Bảo Tạng, tổ xin thọ giới, được thiền sư truyền trao yếu chỉ thiền tông và ban pháp hiệu là Hữu Đức. Thọ giới xong, tổ Hữu Đức tìm đường lên đỉnh núi Tà Cú chọn một hang đá ẩn thân,  ngày đêm thiền định. Sau có nhiều đệ tử và dân làng nghe tiếng lành tìm đến, lập chùa. Ngài trở thành tổ khai sơn chùa Linh Sơn Trường Thọ trên đỉnh núi Tà Cú. Các đệ tử noi gương ngài, khai mở thêm các chùa xung quanh, biến nơi thâm sơn cùng cốc thành một trung tâm tu thiền của Bình Thuận vang danh một thời…

Lược sử Phật giáo Bình Thuận năm 2012 ghi: “Tổ sư Thông Ân Hữu Đức là một vị cao Tăng, cuộc đời và đạo hạnh của Ngài là một tấm gương sáng cho tăng ni Phật tử Bình Thuận muôn đời soi chung”.

 Thay lời kết

Người viết bài này nhân gặp Lão Hòa Thượng Thích Huệ Tánh (đời thứ 44 tông Lâm Tế - Liễu Quán) ở chùa Phật Quang TP Phan Thiết, có hỏi:

- Thưa thầy, vì sao các chùa ở đây không thờ thiền sư Hải Bình Bảo Tạng mà chỉ thờ tổ Hữu Đức?

Hòa thượng đáp:

- Vì tổ Hữu Đức có công khai sơn chùa Núi Tà Cú, lại chữa bệnh cho bà Từ Dũ nên chùa được sắc phong Linh Sơn Trường Thọ tự, có nhiều người biết đến. Vua Tự Đức lại sai người Tây họa hình ngài nên các chùa có ảnh thờ. Còn ngài Bảo Tạng chỉ có bài vị, có nơi thờ nhưng ít người biết. Tôi lại hỏi:

- Thầy có nghe tổ Hữu Đức đã hiển đạt thần thông chưa? Ngài có để lại bài kệ nào không?

Thầy cười:

- Thần thông với kệ thì không nghe, còn giai thoại thì có. Khi Tổ tu trên núi, bà con Phật tử ở Hàm Tân (La Gi ngày nay) nghe tin rủ nhau lên thăm. Gần đến nơi có một con đười ươi to lớn dang tay chặn đường. Mọi người sợ hãi nhưng thấy nó không làm hại nên xúm lại năn nỉ, chắc đười ươi cảm được nên cho lên.

Tổ nghe chuyện mới dạy đọc chú: “Án ma ni bát di hồng”. Lúc xuống núi gặp lại đười ươi, các bà quýnh quáng đọc: “Xuống La Gi bán dưa hồng” mà đười ươi cũng cho qua...

Hoàng Hạnh