Khách tăng
Khách tăng, doanh nghiệp vẫn than ế !
BT- Thống kê của
ngành du lịch trong tháng 11, lượng khách tăng khoảng 10% so cùng kỳ năm 2014.
Thế nhưng, thực tế nhiều doanh nghiệp du lịch rơi vào tình trạng ế ẩm và không
phải doanh nghiệp nào cũng được như mong muốn. Và rõ ràng, dù đang là mùa cao
điểm nhưng không phải resort, khách sạn nào cũng “kín” phòng.
Khách tăng đều
Tháng 11, khi bắt đầu vào mùa cao
điểm, hầu hết các đơn vị kinh doanh du lịch, dịch vụ du lịch tích cực chuẩn bị
chu đáo các dịch vụ phục vụ du khách. Thế nhưng, nhiều đêm liền chúng tôi có mặt
tại khu vực đình đám nhất của du lịch Bình Thuận. Lượng khách dạo phố không còn
tấp nập, hàng quán cũng chẳng mấy đông vui như trước. Dù rằng, môi trường du
lịch trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiểm soát và bảo đảm; công tác an ninh trật
tự, an toàn du khách, phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn
thực phẩm tiếp tục duy trì, tăng cường. Đặc biệt công tác cứu hộ, cứu nạn tại
các khu, tuyến, điểm du lịch ven biển được quan tâm nghiêm túc. Ước tính, trong
tháng 11/2015, toàn tỉnh đón được 380.755 lượt khách. Trong đó, khách quốc tế
khoảng 41.390 lượt, khách quốc tế chủ yếu đến từ Nga (32,8%),Trung quốc (10,8%),
Thái Lan (8,9%), Đức (8,5%), Hàn Quốc (5%), Anh (4,9%),Mỹ (3,6%),Pháp (2,97%),
Hà Lan (2,7%), Úc (2,2%),…
Doanh thu du lịch trong tháng
11/2015 ước đạt 751 tỷ đồng. Tính chung trong 11 tháng năm 2015, toàn tỉnh đón
3.749.114 lượt khách, tăng 10,25% so cùng kỳ năm 2014, trong đó khách du lịch
quốc tế khoảng 404.900 lượt, tăng 12,4% so cùng kỳ. Doanh thu từ hoạt động du
lịch ước đạt 6.859 tỷ đồng, tăng 18,4 % so cùng kỳ năm 2014. Thị xã La Gi cho
biết cũng đón khoảng 200.000 khách, chủ yếu khách nội địa và không có gì đột phá
so năm 2014 tính đến thời điểm này.
“Giờ sao vắng lắm em, buôn bán, cho
thuê xe cũng không còn “hít” như mọi năm. Giờ vắng khách làm ăn khó ghê. Hồi đó,
khách đông buôn bán cực tí mà vui, giờ ngồi cả ngày có khi chỉ bán được vài chai
bia, gói thuốc. May là mặt bằng của mình, không phải thuê mướn chứ không chắc
tiêu” – chị Nguyễn Thị Lan chia sẻ. Khác với môi trường trong lành, đông vui thì
cứ vài chỗ lại treo bảng cho thuê mặt bằng, hoặc đóng cửa. Không chỉ những hàng
quán dịch vụ, mà ngay cả những resort có sao cũng vậy. Theo chia sẻ của nhân
viên lâu năm, có resort 3 - 4 sao nhưng cũng chỉ cho thuê khoảng 10 phòng. Khách
sạn tư nhân thì khỏi phải bàn, như M.T khi chúng tôi vào bên trong không một
bóng người, khách sạn H.Y cũng vậy, chỉ vài phòng sáng đèn dù nằm ngay trung tâm
của khu resort Hàm Tiến. Ngược lại khu vực phía Nam - Tiến Thành, nhiều resort
chấp nhận bối cảnh tương tự. Chỉ có những cái tên quen thuộc và có uy tín như
Golden Cost resort, Sài Gòn - Suối Nhum..., do có mối quan hệ tốt với đối tác
nên lượng khách và công suất phòng khá ổn định nhưng doanh thu vẫn giảm. “Nhìn
thực trạng chung là lượng khách Nga giảm mạnh và các doanh nghiệp phải hỗ trợ
đối tác rất nhiều để kích cầu. Thị trường chính của du lịch Bình Thuận đối với
khách quốc tế là khách Nga và sự tác động không có lợi cho thị trường này thì
mọi người cũng đã rất rõ từ các bản tin thời sự... Còn về thị trường trong nước
thì vẫn tương đối ổn định, tuy nhiên về giá cả cho thị trường này cũng giảm và
ảnh hưởng nhất định về nguồn doanh thu của doanh nghiệp” - ông Nguyễn Văn Tuấn,
Giám đốc điều hành Golden Cost resort cho biết.
Bấp bênh... sự ổn
định
Muốn hay không, du lịch Bình Thuận
vẫn ổn định nhưng thật sự nếu du lịch Bình Thuận muốn có thị trường ổn định và
không gặp khó khăn khi một thị trường nào đó bị giảm thì chỉ có cách phải đa
dạng hóa thị trường. Ông Nguyễn Văn Tuấn cho biết: “Muốn làm được điều này thì
việc đầu tiên là chúng ta phải định vị thương hiệu của điểm đến đối với các thị
trường mục tiêu trong và ngoài nước. Muốn làm được điều này chúng ta phải có sản
phẩm và dịch vụ tốt, bao gồm môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Khi đạt
được điều này thì bước tiếp theo phải phân khúc thị trường và chọn lọc các thị
trường mục tiêu (bảo đảm là sản phẩm phải phù hợp với nhu cầu và phải có thêm
nhiều sự khác biệt so với các điểm đến khác trong nước cũng như trong khu vực
các nước khác). Quan trọng nhất, không chỉ cơ quan quản lý nhà nước về du lịch,
mà ngay cả doanh nghiệp phải nghiên cứu hình thức truyền thông như thế nào để
tạo hiệu ứng tốt cho khách hàng có nhận thức về doanh nghiệp. Như vậy, mới hy
vọng ngành du lịch phát triển bền vững”.
Quang Nhân