Phú Hài

Phú Hài (TP. Phan Thiết): Sự độc đáo của quần thể đồi văn hóa

BTO- Anh bạn là giảng viên ngành du lịch, từ thành phố Hồ Chí Minh ra Phan Thiết, nhờ đưa lên thăm Lầu Ông Hoàng.  Đứng trên  ngọn đồi Bà Nài thơ mộng, nhìn ra chung quanh, anh bảo: Chỉ có một phường Phú Hài thôi mà hội tụ  đến 5 địa chỉ văn hóa - lịch sử.

Khu lăng mộ Nguyễn Thông (1827 - 1884) dưới chân núi Cố.

Địa chỉ thứ nhất là nhóm tháp Chăm cổ xưa trên đồi Bà Nài. Tháp lớn thờ thần Shiva của Ấn Độ giáo (xây dựng từ cuối thế kỷ XIII), tháp nhỏ thờ công chúa Po Sha Inư, con vua Para Chanh (xây dựng vào thế kỷ XV). Xoay quanh nhóm tháp này biết bao huyền thoại theo chiều sâu thăm thẳm thời gian. Năm 1991, Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng Di tích Kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.

Điạ chỉ thứ nhì, khu lăng mộ Nguyễn Thông (1827 – 1884) dưới chân núi Cố. Người có nhiều tài năng, hoạt động trên nhiều lĩnh vực: là một vị quan triều đình cương trực, thanh liêm, xử án công minh, có cái nhìn mới mẻ về giáo dục, về nghiên cứu và biên soạn lịch sử; một vị quan được triều đình giao nhận nhiều nhiệm vụ cả về quân sự, tư pháp, hành chính; ông có những đóng góp lớn về phát triển kinh tế nông nghiệp (tổ chức dân khai hoang, làm thủy lợi – nhất là những năm tháng ông ở Bình Thuận); ông một nhà thơ, nhà văn tên tuổi, là một tấm gương tiêu biểu của nhân sĩ trí thức phong kiến một lòng yêu nước, thương dân nửa sau thế kỷ XIX. Người xây dựng Ngọa du sào để đọc sách, ngâm thơ. Khi Nguyễn Thông qua đời, con trai của ông đã xây dựng tại đây ngôi trường tiểu học – Trường Dục Thanh, nơi thanh niên Nguyễn Tất Thành trên đường cứu nước đã có lần dừng chân dạy học. Khu lăng mộ của ông được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử năm 1999. 

 Thứ ba là Lầu Ông Hoàng.  Thứ tư là chuyện tình Hàn Mạc Tử. Lâu nay khi nhắc đến Lầu Ông Hoàng, người ta chỉ nhớ đấy là nơi đã để lại âm ba day dứt tuôn trào dữ dội trong trái tim đa tình của chàng thi sĩ tài hoa bạc mệnh. “Ta lang thang tìm đến chốn Lầu trăng/Lầu Ông Hoàng, người thiên hạ đồn vang/Nơi đã khóc, đã yêu thương da diết./Ơi trời ơi! Là Phan Thiết! Phan Thiết!(…) Mi là nơi ta sầu muộn ngất ngư” (Phan Thiết! Phan Thiết! – Hàn Mạc Tử). Từ mối tình được tạc vào trong những vần thơ “sầu muộn ngất ngư” ấy mà về sau biết bao nghệ sĩ làm thơ, viết nhạc, viết tuồng dệt nên một hào quang văn hóa – nghệ thuật.

Địa chỉ thứ năm là chiến tích lịch sử. Sau năm 1945, thực dân Pháp cử trung đội lính bản xứ canh giữ đồn ở Lầu Ông Hoàng, do  Pierre làm sếp. Vào rạng sáng ngày 14/6/1947 đã diễn ra một trận đánh của Đại đội Hoàng Hoa Thám (thuộc Trung đoàn 82), nhờ tài năng chiến thuật sáng tạo của Đại đội trưởng Nguyễn Minh Châu (sau này là Thượng tướng Nguyễn Minh Châu) chỉ huy, trong vòng 15 phút đã hoàn toàn làm chủ trận địa. Đó là trận đánh kỳ tập ngoạn mục mở đầu cho các trận đánh sau này trên chiến trường Bình Thuận. Bây giờ bên đường lên tháp canh chính quyền có xây bia tưởng niệm.

Anh bạn tôi nói đó là một quần thể văn hóa lịch sử liên hoàn tuyệt vời, ít nơi nào có được, có cả kiến trúc, thi ca, nghệ thuật quân sự với bao huyền thoại – cả huyền thoại tâm linh – trên một không gian núi đồi gắn liền với biển cả đầy thơ mộng, nhưng vẫn còn khuất lấp hoang sơ. Anh có so sánh với khu Sea Link City ở Hàm Tiến, tuy đồ sộ, hiện đại, nhưng không gắn với điểm văn hóa – lịch sử nào. Nếu xây dựng tôn tạo lại Lầu Ông Hoàng theo thiết kế như xưa, dựng kịch bản phim tái tạo trận đánh của Đại đội Hoàng Hoa Thám để tỏ lòng tri ân với người lãnh đạo quân sự tài ba và các đồng đội anh dũng, xây nhà lưu niệm Nguyễn Thông, Hàn Mạc Tử để giới thiệu các ấn phẩm tỏ lòng ngượng mộ đối với danh nhân, tạo ra một không gian văn hóa điểm đến hấp dẫn cho khách bốn phương. Đó cũng là đạo lý truyền thống của dân tộc. Anh bảo đi chuyến này có thêm tư liệu để đưa vào bài giảng. Du lịch Bình Thuận đang còn nhiều vấn đề đang chờ phía trước.

Võ Nguyên