Bố Xuân Hổ

Bố Xuân Hổ, người tiên phong nghiên cứu văn hóa Chăm tại Bình Thuận

BT- Bố Xuân Hổ sinh ngày 24/5/1931 tại palei Dhaung Panan Hựu An, xã Phan Hiệp – Bắc Bình. Ông  mang trong mình dòng máu Pháp nhưng lại là gia đình cách mạng  nòi.

Bố Xuân Hổ là con trai thứ năm của Bố Thuận, một gia đình nổi tiếng vùng Chăm Phan Rí gồm bảy anh chị em. Năm anh em trai là: Bố Xuân Long, Bố Xuân Đồng (tên thường gọi là anh Thẻ), Bố Xuân Hội (mất 1972 tại Ninh Thuận), Bố Xuân Nhu, Bố Xuân Hổ và hai gái là: Diên Thị Thắng, Diên Thị Két (mất sớm vì bị Tây bắn khi làm liên lạc cho Việt minh).

Bố Xuân Hổ kể, ông Étienne Aymonier(*), một người Pháp, được cử sang Đông Dương làm việc, giữ chức quan Toàn quyền tỉnh Bình Thuận (3/1886 - 2/1887). Trong một buổi dự lễ hội truyền thống dân tộc Chăm ở huyện Phan Lí Chàm, thấy cô Nguyễn Thị Dế vừa xinh đẹp, vừa múa hát hay, ông để ý. Sau đó không lâu, ông Aymonier xin cưới chị. Nhưng khi bà Dế mang thai thì ông về Pháp. Bố Thuận ra đời không có ông. Chỉ sau này ông mới cho người qua Việt Nam đưa đứa con lúc đó mới 12 tuổi sang Pháp học suốt 18 năm.

Thành tài, Bố Thuận về làm ở Trường Viễn Đông Bác cổ tại Hà Nội. Đến 1954 trường đóng cửa, ông về làm cố vấn cho ông Dương Tấn Phát ở huyện An Phước, tỉnh Ninh Thuận.

Bố Xuân Hổ học tiểu học ở trường huyện, sau ra Phan Rang học École de Cardes với Lưu Quý Tân, rồi École Français ở Nha Trang, sau cùng là Lycée Yersin ở Đà Lạt đến hết 1954. Ông tốt nghiệp Tú Tài Pháp bán phần tại Sài Gòn.

Ông từng đấu tranh đòi chế độ Ngô Đình Diệm thực hiện Hiệp định Genève, nên bị bắt tù đày đi Phú Quốc mất 3 năm, từ 1955 đến 1958. Được thả về, ông luôn bị đặt trong vòng theo dõi của an ninh chế độ.

Giữ vai trò Trưởng Phòng vận tải Đồn điền Cao su Long Khánh đến 1961. Thời gian này, ông Bố Xuân Hổ được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Đấu tranh chống Giám đốc Pháp Georges D’Anie chuyên áp bức công nhân. Sau một tuần đấu tranh, Giám đốc Đồn điền bị trục xuất, còn ông xin thôi việc một tháng sau đó.

Về sau, ông làm Giám đốc Trung tâm phân phối BGI tại Khánh Hòa kiêm Chi nhánh Ban Mê Thuột. Sau 3 năm, ông được thuyên chuyển về Đà Lạt, Mỹ Tho rồi Ninh Thuận, đến 1968 chuyển hẳn về Bình Thuận.

Cuối tháng 3/1975, sau khi nhận thư của Đặng Chế Hoa, một cán bộ cách mạng, ông  về quê vận động binh lính và quan chức chế độ Cộng hòa đầu hàng.

8 giờ sáng ngày 17/4/1975, theo hướng dẫn, ba trung đội lính Cộng hòa tập trung tại nhà Bố Xuân Hổ đầu hàng cách mạng, và sau đó được cách mạng khoan hồng. Tham gia chính quyền cách mạng, Bố Xuân Hổ từng giữ chức Trưởng Phòng Văn hóa Thông tin huyện Bắc Bình 5 năm. Năm 1987, ông phụ trách Mặt trận huyện 7 năm. Sau đó giữ chức vụ Phó Chủ tịch Mặt trận huyện 5 năm.

Thế nhưng điều đáng nói nhất ở Bố Xuân Hổ chính là những đóng góp của ông về nghiên cứu văn hóa dân tộc Chăm tỉnh Bình Thuận. Đáng quý hơn, khi các nhà nghiên cứu Chăm ở khu vực này vẫn còn khá ít so với Ninh Thuận, thì ông dầu chưa qua đào tạo vẫn để tâm nghiên cứu văn hóa Chăm. Ở lĩnh vực này, có thể nói ông  đi tiên phong.

Các công trình đáng kể nhất là:  Truyền thuyết các tháp Chăm, Hội Văn học - Nghệ thuật Ninh Thuận. Mẫu hệ Chăm thời đại mới, Hội Văn học - Nghệ thuật Bình Thuận. Văn hóa ẩm thực Chăm Bình Thuận - Hội Văn nghệ Dân gian. Truyện cổ Dân gian Bình Thuận - Hội Văn nghệ Dân gian. Thế giới quan của người Chăm qua những huyền thoại về sự hình thành vũ trụ - Hội Văn nghệ Dân gian.

 Trao đổi với chúng tôi ông Hổ cho biết: Hai vấn đề tôi lo lắng nhất hiện nay là ngôn ngữ Chăm và chuyện hôn nhân dị tộc. Theo tôi tiếng và chữ Chăm cần phải được học đến cấp II, vì học sinh cấp I sau khi học xong dễ quên chữ lẫn tiếng mẹ đẻ. Riêng hôn nhân dị chủng, ở đây là hôn nhân Chăm- Việt là chuyện không thể tránh trong thời hiện đại, theo tôi Nhà nước cần quy định rõ luật tục, để tránh những điều đáng tiếc xảy ra… Một khi luật tục được tôn trọng, cũng như phát huy được những cái đẹp của văn hóa thì không chỉ hôn nhân dị tộc mà đời sống của cộng đồng Chăm - Việt càng tốt đẹp lên, đơm hoa kết trái.

(*): Về Étienne Aymonier, tháng 12/1884 đến tháng 7/1885, ông điều hành chương trình khảo sát khoa học ở vùng Cham. Từ tháng 3/1886 ông giữ chức quan Toàn quyền tỉnh Bình Thuận, đến đầu năm 1887, ông lâm trọng bệnh phải qua Hồng Kông rồi qua Pháp chữa bệnh.

Inrasara