Du lịch Bình Thuận dưới góc nhìn

Du lịch Bình Thuận dưới góc nhìn của nhiếp ảnh gia

BTO- Nhân kỷ niệm 20 năm ngày Du lịch Bình Thuận (24/10/1995 – 24/10/2015), Báo Bình Thuận Điện tử đã có dịp gặp gỡ các tác giả đoạt giải ảnh “Bình Thuận – Hội Tụ xanh” để chia sẻ những cảm nhận về du lịch dưới góc nhìn của nhiếp ảnh gia.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Quốc Huy (giải nhất ảnh đơn, tác phẩm “Đua thuyền rồng”).

Sinh năm 1976, là người con của quê hương Bình Thuận, theo nghiệp nhiếp ảnh từ năm 2000, đến nay anh đã giành được 5 huy chương, nhận được nhiều bằng danh dự trong nước và quốc tế. Là hội viên Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Bình Thuận đồng thời cũng là hội viên Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, anh đã từng có nhiều ảnh tham gia triển lãm ở các cuộc thi trong và ngoài tỉnh.

Nói về du lịch Bình Thuận, theo anh, đang đổi mới từng ngày và đánh dấu sự trưởng thành không ngờ sau 20 năm hình thành và phát triển mặc dù còn rất nhiều thử thách và chông gai phía trước. Bình Thuận được bạn bè năm châu biết đến bởi phong cảnh nên thơ, hữu tình như Hải Đăng - Kê Gà, Bàu Trắng, chùa Cổ Thạch, Đồi Cát, Suối Tiên… và có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng hấp dẫn như lễ hội Cầu ngư, lễ hội Katê ở tháp PoshaInư, Dinh thầy Thím, lễ hội Trung thu lớn nhất Việt Nam, Dinh vạn Thủy Tú, trường Dục Thanh… Chính sự đa dạng, phong phú về cảnh quan cũng như đời sống văn hóa tinh thần đã tạo cảm hứng cho những nhiếp ảnh gia thỏa sức sáng tạo, tái hiện vẻ đẹp thuần túy của “cô gái 20” tràn đầy sức sống.

Nhiếp ảnh gia Đỗ Hữu Tiến (giải nhì ảnh đơn, tác phẩm “Bàu sen Hòa Thắng”).

Sinh năm 1965 tại TP.HCM, anh đến với nghề nhiếp ảnh nghệ thuật chuyên nghiệp từ năm 1998. Hiện nay anh đã đoạt hơn 20 giải thưởng trong nước và có rất nhiều ảnh dự triển lãm ở các hội thi khác nhau. Anh là hội viên Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh TP.HCM và cũng là hội viên Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam.

Là một trong những nhiếp ảnh gia có mặt tại TP. Phan Thiết năm 1995 khi sự kiện nhật thực toàn phần lần đầu tiên xuất hiện nơi đây. Sau 20 năm nhìn lại, Bình Thuận đổi thay và phát triển nhanh chóng. Ngày nay, nhắc đến Bình Thuận, Mũi Né, du khách trong và ngoài nước sẽ nghĩ ngay đến “thiên đường nghỉ dưỡng”, “thủ đô resort”… với nhiều cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp. Phải thừa nhận, sau chặng đường 20 năm, du lịch Bình Thuận phát triển rất mạnh mẽ cả chiều rộng lẫn chiều sâu, nhưng theo tôi du lịch tỉnh nhà phát triển chưa bền vững. Hiện tại, du lịch Bình Thuận đang thừa hưởng những thứ sẵn có do thiên nhiên ban tặng, nhưng chưa thật sự sáng tạo, phát huy thế mạnh này để đưa ngành du lịch phát triển vượt bậc hơn nữa. Để ngành du lịch tỉnh nhà thật sự là ngành kinh tế mũi nhọn từ nay đến năm 2020, ngoài việc khai thác tối đa giá trị tài nguyên, phát huy thể thao biển trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng có thương hiệu mạnh ở khu vực Đông Nam Á, thiết nghĩ Bình Thuận nên kiểm soát chặt chẽ môi trường tự nhiên, môi trường xã hội, tăng cường công tác quản lý môi trường du lịch, tiến đến xây dựng Bình Thuận trở thành điểm đến thật sự làm hài lòng du khách.

Nhiếp ảnh gia Đỗ Hữu Tuấn (giải ba ảnh đơn, tác phẩm “Cầu mưa”) – sinh năm 1960.

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống nhiếp ảnh tại Bình Thuận, nên anh theo nghiệp ảnh từ năm 14 tuổi. Đến nay, anh đã “rinh” về gần 70 giải thưởng trong nước và quốc tế và được phong tước hiệu E.VAPA (hội viên Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam) và A.FIAP (Hội viên Liên đoàn Nghệ thuật Nhiếp ảnh Quốc tế). Hiện anh đang giữ chức Chi hội phó Chi hội Nhiếp ảnh Việt Nam tại Bình Thuận. Với sở trường chụp ảnh biển và đời sống, nhiều tác phẩm của anh đã thể hiện rõ thần thái cũng như những khoảnh khắc tự nhiên mà ít nghệ sĩ nhiếp ảnh nào có được.

Sau 20 năm, trong điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng du lịch Bình Thuận đã đạt được những kết quả rất khả quan. Với sản phẩm du lịch ngày càng phong phú, hấp dẫn, hệ thống cơ sở lưu trú tăng thêm từng năm đã dần hình thành nên một điểm đến lý tưởng, khó chối từ đối với du khách trong và ngoài nước. Các hoạt động du lịch trong suốt chặng đường dài đã đánh dấu sự trưởng thành của ngành du lịch tỉnh nhà. Dưới con mắt của nhà nhiếp ảnh, khu vực Hàm Tiến – Mũi Né thật sự là khu nghỉ dưỡng cao cấp, thu hút du khách có thu nhập cao và là “sân chơi” lý thú để các nhiếp ảnh gia chuyên và không chuyên thỏa sức tái hiện vẻ đẹp của cảnh quan cũng như con người Bình Thuận dưới nhiều góc nhìn độc đáo. Tuy nhiên, để “đứa con” tuổi 20 cứng cáp, trưởng thành hơn, ngành chức năng cần quan tâm hơn đến vấn đề vệ sinh môi trường, quản lý chặt chẽ nạn chặt chém du khách, an ninh … để du lịch Bình Thuận không bị mất điểm trong lòng những ai đã từng một lần đặt chân đến “thiên đường nghỉ dưỡng”.

Minh Vân (ghi), ảnh: Ngọc Lân