Chuyện về những người khai phá

Chuyện về những người khai phá

  BT- Phan Thiết – Mũi Né ngày nay trở thành một địa danh du lịch nổi tiếng. Chính vì vậy,  chuyện về những người  khai phá, biến vùng đất này thành nơi du lịch  là đề tài nhiều người muốn biết.

Mũi Né xưa.

 Carhonlow

Buổi sáng cuối xuân năm 1988, người đàn ông nước ngoài, tuổi chừng 40, tên là Carhonlow cùng người phiên dịch bước vào Công ty Du lịch Thuận Hải, đề nghị được trò chuyện với giám đốc. Sau vài câu mở đầu, Carhonlow đặt vấn đề liên doanh làm du lịch tại Mũi Né. Carhonlow cũng giới thiệu mình là người Na Uy, trước 1975 từng ở trong đơn vị lính Mỹ đồn trú Mũi Né, vì vậy biết Mũi Né rất đẹp.

Mặc dù Luật Đầu tư nước ngoài ban hành trước đó 1 năm, tuy nhiên trước đề nghị của một người nước ngoài về vấn đề đầu tư du lịch, ông Thái Ngọc Sơn - Giám đốc Công ty Du lịch Thuận Hải không quên thận trọng. Ông báo cáo sự việc lên UBND tỉnh, Tỉnh ủy và nhận được sự đồng ý về chủ trương cho phép nghiên cứu liên doanh. Ông Carhonlow sau đó đã khảo sát toàn bộ vùng Hàm Tiến – Mũi Né và chọn vị trí tại thôn 3 xã Hàm Tiến (vị trí Coco Beach Resort ngày nay) để lập hồ sơ, xin phép thành lập công ty liên doanh theo quy định.

Lúc đó thủ tục liên quan đến đầu tư nước ngoài phải trình ra trung ương. Đến tháng 10/1988, khi được Ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư thông báo chủ trương cho phép Công ty Du lịch Thuận Hải liên doanh với ông Carhonlow xây dựng khu nghỉ mát thì đến cuối năm 1988, Công ty Du lịch Thuận Hải nhận được thông báo của ông Carhonlow không thể triển khai dự án do không huy động được vốn.

“Dự án của ông Carhonlow  không triển khai được, nhưng ít nhiều gây tiếng vang  về tiềm năng du lịch Hàm Tiến – Mũi Né”, ông Nguyễn Của, một cán bộ của Công ty Du lịch Thuận Hải thời kỳ đó nói.

 Tỉ phú Larry Hillblom

Tỉ phú Larry Hillblom.

3 tháng sau ngày Quốc hội có nghị quyết tách tỉnh Thuận Hải thành Ninh Thuận và Bình Thuận, ngày 12/4/1992, ông Vương Chí Thành, một người Hoa sinh ra tại Hà Nội, quốc tịch Canada, thường trú tại Thái Lan đến Phan Thiết đặt vấn đề hợp tác làm du lịch. Ông Thành giới thiệu mình là người đại diện cho ông Larry Hillblom - chủ Công ty chuyển phát nhanh DHL nổi tiếng toàn cầu và chủ của nhiều khu nghỉ dưỡng lớn ở Thái Bình Dương. Giám đốc Công ty Du lịch Bình Thuận lúc đó là ông Trần Văn Điểm giới thiệu ông Thành đến Khách sạn Vĩnh Thủy lớn nhất Phan Thiết thời đó, nằm cạnh bãi biển rất đẹp để ông này tìm hiểu.

Sau nhiều lần khảo sát, ông Thành và tỷ phú Larry Hillblom quyết định liên doanh với Công ty Du lịch Bình Thuận cải tạo nâng cấp Khách sạn Vĩnh Thủy và đầu tư xây dựng sân golf. Ngày 27/7/1993, Công ty liên doanh làng nghỉ mát Phan Thiết ra đời và  hoạt động 1 năm sau đó với khách sạn 4 sao tiêu chuẩn quốc tế và sân golf 18 lỗ đẹp nhất châu Á.

 Coco Beach Resort

Cũng trong năm 1993, đôi vợ chồng  Pháp - Đức,  tên là Daniel Arnaud & Jutta đến Hàm Tiến.  Có điều gì đó trùng hợp lạ lùng, họ dừng chân ở bãi biển mà trước đó 5 năm, ông Carhonlow chọn xin làm khu du lịch. Ngày 27/7/1994,  làng du lịch nghỉ mát Hàm Tiến, liên doanh giữa ông Daniel Arnaud và Công ty Du lịch Bình Thuận ra đời. Năm 1995, Hải Dương Resort đi vào hoạt động với 12 bungalow trên khu đất 6.000m2  với tổng vốn đầu tư là 188.000 USD. 1 năm sau đó tiếp tục mở rộng thành 34 bungalow, vila riêng biệt và nâng diện tích khu resort lên 1,2 ha.

Có thể nói Hải Dương Resort (sau đổi tên thành Coco Beach Resort) là khu du lịch hình thành đầu tiên ở Hàm Tiến – Mũi Né và hoạt động cực kỳ hiệu quả với công suất khai thác phòng trên 90%. Khách của resort là chủ yếu là người Pháp, Đức và thường lưu trú dài ngày.

 Các khách sạn, resort tiếp theo

 Khi Coco Beach Resort đang trong giai đoạn xây dựng  nhưng tiếng vang về nó đã gây nên sự chú ý của giới kinh doanh du lịch cả nước. Năm 1994, Công ty Du lịch TP. Hồ Chí Minh (Saigontourist) ra Bình Thuận hợp tác với Công ty Du lịch Bình Thuận, đầu tư Sài Gòn - Mũi Né Resort. Cũng trong năm này, một liên doanh giữa ông Lê Quang (Việt kiều Pháp) và Công ty Ăn uống hình thành (sau đó Công ty Ăn uống giải thể giao lại cho Công ty Du lịch Bình Thuận) để xây dựng Khu du lịch Victoria vào năm 1995 và hoạt động 2 năm sau đó.

Đầu năm 1995, một công ty may mặc ở TP. Hồ Chí Minh cũng ra liên doanh với Công ty Du lịch Bình Thuận đầu tư Khu du lịch Biển Xanh (Blue Ocean Resort).

Sau sự kiện “Nhật thực toàn phần” ngày 24/10/1995 lần lượt các resort: Seahorse của hai chị em bà Minh Tâm và Mỹ Dung rồi Sao Biển, Hải Âu, Trăng Tròn... ra đời.

Tại Phan Thiết, sau khi Khách sạn Vĩnh Thủy liên doanh với nước ngoài chủ yếu phục vụ khách quốc tế, 2 khách sạn còn lại là Khách sạn Phan Thiết và Khách sạn 19/4 đều nằm ở nội thành, khách du lịch nội địa đến Phan Thiết muốn tắm biển phải ra biển Đồi Dương rất xa và bất tiện, vì vậy, nhân một chuyến về làm việc tại Bình Thuận, ông Lê Khả - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam đã đề nghị tỉnh nên xây dựng một khách sạn ven biển Đồi Dương để khai thác du lịch.

Bà Năm Hòn Rơm

Nhắc đến địa danh Hòn Rơm không thể không nói đến bà Năm, người có công khai  móng du lịch vùng đất này. Bà là Phạm Thị Năm, một nha sĩ người gốc Mũi Né làm việc tại TP. Hồ Chí Minh. Năm 1992, bà Năm đưa sinh viên Trường Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh theo đoàn từ thiện ra khám chữa bệnh cho làng Hòn Rơm cách xa Mũi Né hơn 5 km. Đường không có phải lội bộ qua những đồi cát. Mấy chục năm trời về thăm quê xưa, bà Năm nhận thấy làng quê mình đẹp quá. Đồi cát ngút ngàn ven biển trong xanh. Một ngày đi chữa bệnh cho dân nghèo, nhưng bà bỗng khỏe ra. Sao không biến nó thành nơi nghỉ dưỡng? Chồng bà Năm cũng là một người Việt lưu lạc mang quốc tịch Pháp, từng định cư tại một quần đảo thuộc địa bên bờ châu Đại Dương. Nghe vợ nói, ông đồng ý. Lúc này chính quyền bắt đầu khuyến khích giao đất cho người có vốn trồng rừng. Bà Năm vốn quê gốc ở đây nên xin nhận đất trồng rừng. Bà nghỉ việc ở TP. Hồ Chí Minh, ra Hòn Rơm nơi được xem như một ốc đảo thời ấy cất chòi ở, thuê người trồng rừng và đi về giữa Mũi Né và TP. Hồ Chí Minh. Những nhóm bạn bè, sinh viên được bà Năm mời ra thăm khu ốc đảo, nghỉ ngơi riết rồi quen dần. Nhật thực 1995 bà tu sửa lều trại làm nơi đón khách. Khu du lịch đầu tiên mang tên Hòn Rơm ở Mũi Né ra đời từ đấy.

Ngày nay các resort ở Mũi Né trở thành một điểm du lịch dã ngoại nổi tiếng cả nước. Ảnh: Lê Thanh

Ngày mới thành điểm du lịch, bà Năm mua các xe Jeep đặc chủng đón khách từ Mũi Né vượt đồi cát ra. Khách du lịch gọi đây là xe “vùng Vịnh” và khoái chí với cảm giác lạ. Dần dà, lượng khách đông bà Năm tiếp tục hợp tác với Công ty Du lịch Bình Thuận mở ra Khu du lịch Hòn Rơm 2. Sau bà Năm, nhiều khu du lịch mới ra đời. Hòn Rơm – Long Sơn – Suối Nước trở thành một điểm du lịch dã ngoại nổi tiếng cả nước.

Hơn 20 năm trôi qua kể từ ngày những nhà đầu tư đầu tiên bỏ công sức, tiền bạc, góp phần biến một thị xã nhỏ cùng với những làng chài, những đồi cát ven biển trở thành địa danh du lịch nổi tiếng toàn cầu. Kỷ niệm 20 năm phát triển du lịch Bình Thuận, chúng ta nhắc về những con người đáng quý ấy như một sự tri ân…

Lê Huân