Du lịch Bình Thuận

Du lịch Bình Thuận: Một chấm son trên bản đồ du lịch Việt Nam

 BTO- Trước những năm 1990, nếu có ai đó đã từng đến Bình Thuận, lúc này còn là tỉnh Thuận Hải, sẽ rất khó hình dung hoạt động của ngành du lịch là như thế nào?

Khi đó, khách đến Bình Thuận chủ yếu là khách đi công tác, chiếm đến 80%, chỉ có khoảng 20% là du khách, và du khách chủ yếu là khách Liên Xô do Hà Nội tourist, Sài Gòn Tourist hoặc Việt Nam tourist đi ngang ghé vào ăn uống; rất ít các đoàn khách nghỉ đêm tại Phan Thiết. Còn du khách là người Việt thì hầu như không có. Các chuyến xe chở du khách ngang qua Bình Thuận thường chỉ ghé lại để mua ít nước mắm hoặc hải sản làm quà, chứ ít có du khách tự đến để đi du lịch tại Bình Thuận.

Sự kiện nhật thực toàn phần ngày 24/10/1995 tại Bình Thuận như một cú hích đầu tiên khơi dậy giấc ngủ của một vùng biển giàu tiềm năng. Sự kiện này là cơ hội ngàn năm có một, là “thiên thời” đã dành cho Bình Thuận. Kể từ đó, cả nước và thế giới đã biết đến Bình Thuận nhiều hơn. Chỉ trong vòng chưa đầy 3 năm (1995 – 1998) đã có sự thay đổi nhanh đến chóng mặt của vùng đất Phan Thiết – Mũi Né; rất nhiều người quê tại Bình Thuận, sau vài năm đi xa khi trở về đã không còn nhận ra mảnh đất nơi mình sinh ra và lớn lên.

Cho đến nay, sau 20 năm thực sự phát triển, trên địa bàn toàn tỉnh đã có 393 dự án du lịch đang còn hiệu lực với tổng diện tích đất cấp là 7.357 ha, tổng vốn đăng ký là 55.294 tỷ đồng. Trong đó có 289 cơ sở lưu trú đang hoạt động kinh doanh với tổng số 10.921 phòng, đạt tiêu chuẩn 5 sao có 3 cơ sở, 4 sao có 25 cơ sở, 3 sao có 11 cơ sở, 2 sao có 34 cơ sở…có thể khẳng định, Bình Thuận xứng đáng với tên gọi “thủ đô resort” của Việt Nam.

Bước sang thế kỷ 21, sự chuyển mình theo khuynh hướng toàn cầu hóa trong kỹ thuật và thông tin, thương mại du lịch cũng tiến nhanh theo một tốc độ chóng mặt. Sự kiện Việt Nam trở thành thành viên thứ 150 của WTO (Tổ Chức Thương mại Quốc tế - World Trade Organization) có vẻ như đang hâm nóng niềm hy vọng vào một tương lai kinh tế tươi sáng cho Việt Nam. Gia nhập WTO, đó vừa là thời cơ vừa là thách thức đối với một đất nước đang phát triển như Việt Nam. Đó là dịp để quảng bá hình ảnh của đất nước và cũng là thách thức đối với một nền kinh tế non trẻ. Ngành du lịch chính là nền tảng của thời cơ đó. Bình Thuận, thiên đường của những khu nghỉ mát, đang nổi lên không chỉ ở tiềm năng du lịch mạnh mẽ mà còn ở hình ảnh thân thiện, mộc mạc, chân thật của người dân vùng biển.

Lễ hội Trung thu tại Bình Thuận

Cùng với chủ đề: "Bình Thuận - biển ấm tình người", "Du lịch văn hóa" là một nét mới cho du lịch Bình Thuận nhằm hưởng ứng chương trình "Việt Nam điểm đến của thiên niên kỷ mới".Bắt đầu từ thành phố Phan Thiết - thành phố nhỏ nhắn nhưng xinh đẹp nằm dọc hai bên bờ sông Cà Ty - con sông được ví như dòng sữa mẹ ngọt ngào nuôi lớn muôn người con của đất Bình Thuận. Du lịch Bình Thuận đã trở thành một nơi có chỗ đứng vững chắc trong ngành du lịch Việt Nam.

Bình Thuận là một tỉnh có nhiều tiềm năng, tài nguyên lợi thế cho phát triển du lịch: tiềm năng về nhân văn, tín ngưỡng, di tích lịch sử phục vụ cho phát triển loại hình du lịch tham quan nghiên cứu như: lịch sử văn hóa về dân tộc Chăm, chùa Hang, dinh Thầy Thím, lầu ÔÔng Hoàng gắn với nhà thơ Hàn Mặc Tử, di tích và lễ hội Nghinh Ông… Có bờ biển dài gần 200 km với nhiều bãi biển sạch đẹp, đồi cát, rừng cây ven biển, có suối nước nóng, nước khoáng… phát triển nhiều loại hình du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí và chữa bệnh. Có nhiều hồ, thác nước và rừng thích hợp cho các loại hình du lịch sinh thái.

Đồi cát Hòa Thắng

Với vị trí nằm giữa tam giác du lịch thành phố Hồ Chí Minh, Vũng Tàu – Đà Lạt – Nha Trang, với khoảng cách di chuyển không dài (2 – 4 tiếng đồng hồ), với hệ thống giao thông, đường bộ vừa được nâng cấp rất thuận lợi cho việc di chuyển. Cùng với tiềm năng, tài nguyên du lịch như trên, trong những năm gần đây tỉnh đã tập trung quy hoạch, nâng cấp tôn tạo kết cấu hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ trong các khu du lịch, thực hiện nhiều giải pháp, chính sách tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư... Những việc làm này đã và đang tạo cho tỉnh một lợi thế so sánh rất lớn về du lịch, có sức hấp dẫn, thu hút nhiều nhà đầu tư.

Nhìn lại 40 năm sau ngày giải phóng, Bình Thuận xây dựng quê hương trong muôn vàn khó khăn, nhưng vẫn vững vàng trước mọi thử thách, phát huy tốt sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, thực hiện thắng lợi các chủ trương, đường lối của Đảng, đưa Bình Thuận ngày càng phát triển. Qua 40 năm, nhất là từ khi tái lập tỉnh (1992) đến nay, kinh tế xã hội tỉnh nhà đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm đạt 11,6%; trong đó nhóm nông, lâm, thủy sản tăng 7%, nhóm công nghiệp - xây dựng tăng 17,7%, nhóm dịch vụ tăng 13,7%. GRDP bình quân đầu người năm 2014 đạt 1.656 USD (tăng 12,7 lần so năm 1991). Tỷ lệ tích lũy từ nội bộ nền kinh tế từ 9,5% năm 1991 đã tăng lên 20% năm 2014.

Trong không khí tưng bừng đó, ngành du lịch Bình Thuận thật tự hào về những thành tích của mình khi đóng góp một phần không nhỏ vào sự tăng trưởng kinh tế của tỉnh nhà; tạo ra hàng trăm ngàn việc làm cho người dân Bình Thuận; trong tương lai không xa, Bình Thuận sẽ là điểm đến không thể thiếu của du khách trong bản đồ du lịch quốc tế.

Bình Thuận xứng đáng là chấm son trên bản đồ du lịch Việt Nam.

 TRẦN VIỆT HÀ