Tánh Linh - thắng cảnh đợi chờ
Tánh Linh - thắng cảnh đợi chờ
BT- Tánh Linh là nơi hội tụ nhiều
quần thể thắng cảnh thiên nhiên nổi tiếng. Những thắng cảnh tuy chưa được đầu tư
khai thác, nhưng đã có sức quyến rũ rất lớn. Đó là Biển Lạc nằm tiếp giáp giữa
Tánh Linh và Đức Linh được xem là lá phổi chung của hai huyện miền núi này. Biển
Lạc như bức tranh thủy mặc, rừng xanh, nước xanh để cả lòng người cũng xanh theo
cây cỏ.
Với diện tích mặt nước vào mùa mưa
lên đến 3.000 ha, có trên hàng chục loài tôm cá sinh sống. Có lẽ khi xưa cha ông
ta mở đất thấy đầm nước này quá mênh mông nên đặt tên Biển Lạc. Ngoài biển nước
lạc, chung quanh còn có khu rừng đệm với trên 172 loài thực vật đan xen, nơi trú
ngụ cho trên 100 loài động vật hoang dã. Thật bình an và thơ mộng biết bao khi
được ngồi xem hoàng hôn thả chùng trên Biển Lạc, được thả xuồng trôi trong mênh
mông trăng nước, thả lòng hoang vu theo tiếng chim kêu, vượn hú. Nhưng Biển Lạc
bây giờ đã không còn như xưa. Trải qua trên 20 năm “bảo tồn gìn giữ”, rừng,
hoang thú, chim muôn, tôm cá… đã bị hủy diệt không chút thương tâm. Để rồi nay
khu bảo tồn này phải chuyển dịch, chia cắt cho các dự án, hộ dân trồng cao su.
Mất khu bảo tồn Biển Lạc, nhịp thở của người dân Tánh Linh sẽ bị uất nghẹn.
Tánh Linh bây giờ chỉ còn lại Khu
bảo tồn Núi Ông, nơi có ngọn thác Bà nổi tiếng. Thác Bà nằm sát nách thị trấn
Lạc Tánh. Với 9 ngọn thác đổ chồng từ trên đỉnh núi Ông xuống, thoạt trông như
dải lụa trắng khổng lồ phất phơ bên triền núi. Trên đỉnh thác cao nhất có hồ
nước lạnh căm sâu 7 sải. Du khách có thể dùng cần câu những chú cá chép, cá
trắng ánh bạc, để rồi bên bếp lửa hồng, trong cái lạnh se se ta lại được tìm về
cõi nguyên sơ nguồn cội. Thác Bà điểm du lịch sinh thái rất lý tưởng của Tánh
Linh. Làm thế nào để giữ lại núi Ông, thác Bà ? Câu trả lời là ngay từ bây giờ
toàn dân phải hiệp lực, quyết không để một ai đụng đến tấc đất, cành cây, con
chim, con thú. Đừng để núi Ông sớm ngậm ngùi ra đi như biển Lạc!
Về Tánh Linh, những ai mộ đạo có thể
xuôi Tà Pao - nơi có tượng Đức Mẹ cao vợi trên sườn núi, dưới chân tượng là dòng
La Ngà cuộn chảy, một thắng cảnh nổi tiếng từ thập niên 1960. Dòng sông La Ngà
từ cao nguyên Di Linh chảy về La Ngâu, qua Tà Pao tạo thành một thắng cảnh đẹp
hùng vĩ với nhiều huyền thoại ly kỳ về kho tàng, báu vật. La Ngà là dòng sông
đặc biệt, vì đây là dòng sông chảy ngược, sông không đổ ra biển, sông chảy ngược
từ Tánh Linh về Đức Linh qua Đồng Nai rồi nhập vào sông Đồng Nai tạo thành một
phụ lưu lớn của dòng sông này.
Trên thượng nguồn sông La Ngà cách
cầu Tà Pao 3 km thuộc địa bàn xã La Ngâu, một đại công trình thủy lợi dẫn nước
tưới cho trên 20.000 ha đất nông nghiệp của 2 huyện Tánh Linh, Đức Linh và cấp
nước sinh hoạt cho 150.000 dân. Theo thiết kế đập có bờ đập chính dài 350m, chân
đập rộng 120m, cao độ ngưỡng tràn 122m so với mực nước biển. Đập Tà Pao được xem
như một huyền thoại giữa đời thường của người dân Tánh Linh.
NGÔ VĂN TUẤN