Khách du lịch quảng bá dông thịt

Khách du lịch quảng bá dông thịt

BT- Hơn 1 năm trở lại đây, tại các vùng ven TP. Phan Thiết, thịt dông được tiêu thụ khá mạnh, giá bán ổn định, giúp nông dân phấn khởi. Mở rộng thị trường tiêu thụ từ khách du lịch đến với Phan Thiết chính là “chìa khóa” giải bài toán đầu ra con dông.

Mấy tháng nay, chuồng dông hơn 1.000m² của gia đình anh Đặng Văn Minh - thôn Thiện Trung, xã Thiện Nghiệp luôn trong tình trạng “cháy hàng”. Khách của anh từ các tỉnh thành trong cả nước liên tục gọi đến để đặt hàng sản phẩm. Thế nhưng, mỗi đợt xuất chuồng dông đến tuổi, anh chỉ có thể bắt chừng trên 5kg, với giá bán 350 ngàn đồng/kg. Và để giữ uy tín, anh Minh kết nối với các chuồng dông trong thôn để bắt đủ số lượng. “Tháng rồi khách hàng ở tận Hà Nội gọi về đặt 15 ký, trong khi cách đó nửa tháng tôi mới vừa xuất bán hết lứa. Và để giữ mối, tôi đã liên hệ một số anh em trong thôn để đủ hàng vận chuyển” - anh Minh nói.

Thị trường đầu ra của con dông hiện nay trái ngược hẳn với thời điểm cách đây chừng 2 năm. Còn nhớ thời điểm trước, khi thị trường tiêu thụ sản phẩm này bó hẹp, giá bán thì khá cao so với nhiều loại thịt khác nên con dông luôn ở trong tình trạng tiêu thụ chậm, khiến người nuôi hết sức khó khăn. Thông thường, thời gian nuôi dông để bán thịt kéo dài từ một 1,5 - 2 năm. Thời gian này, mặc dù không tốn quá nhiều chi phí thức ăn nhưng người nông dân phải bỏ công chăm sóc trước khi xuất bán. Đầu ra thịt dông lúc bấy giờ khá chậm khiến người nuôi gặp khó. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhờ vào nguồn khách du lịch, con “đặc sản” này đã tìm được thị trường tiêu thụ mạnh, giá bán giữ mức cao.

Ông Lê Văn Quới - Tổ trưởng tổ hợp tác nuôi dông thôn Thiện Trung, xã Thiện Nghiệp cho rằng: “Thời điểm trước con dông không được tiêu thụ có thể do du khách chưa biết đến món ăn này. Hiện nay chúng tôi chủ động liên lạc với các nhà hàng, khách sạn để giới thiệu đặc sản này. Từ đó mà nhiều du khách đã bắt đầu quan tâm đến dông thịt”. Tổ hợp tác nuôi dông thôn Thiện Trung, xã Thiện Nghiệp hiện nay có 7 thành viên. Thời gian qua, không thành viên nào trong tổ phải gặp khó về đầu ra sản phẩm. Khi khách hàng là các nhà hàng ở Hàm Tiến - Mũi Né hay khách du lịch liên lạc đặt hàng thì ông Quới là người đứng ra kết nối. Sau đó, ông sẽ phân số lượng dông cần bắt ở từng thành viên trên cơ sở quy mô, số lượng và độ tuổi dông để đủ theo nhu cầu khách hàng.

Bên cạnh các món ăn tại các nhà hàng, resort ở Hàm Tiến - Mũi Né thì nhiều khách du lịch còn mua sản phẩm dông thịt đem về. Đối với những khách hàng ở các tỉnh thành xa, thay vì vận chuyển dông sống, các hộ nuôi ở Thiện Nghiệp thống nhất sẽ cân bán dông sống trước cho khách, sau đó phơi yểu, cấp đông và chuyển đi. Nhờ con đường tiêu thụ này mà mặt hàng dông Phan Thiết được các du khách truyền tai và đặt mua sản phẩm, mặc dù có thể họ chưa đến các trại dông nơi đây. Cũng thực hiện theo phương pháp này, hộ nuôi Đặng Văn Minh - thôn Thiện Trung, xã Thiện Nghiệp đã có nhiều bạn hàng ở Bình Dương, Đồng Nai, thậm chí tận Hà Nội.

Thị trường đầu ra cho  dông thịt được mở rộng, giá bán ổn định thông qua khách du lịch mang lại niềm vui cho bà con nông dân trên vùng cát trắng Thiện Nghiệp. Niềm vui này được nhân đôi khi thông qua kênh “tiếp thị” đặc biệt này, hình ảnh “cát trắng, nắng vàng” của Phan Thiết - Bình Thuận sẽ được biết đến nhiều hơn từ đặc sản dông.

 Châu Tỉnh