Giếng xưa Bình Thạnh
Giếng xưa Bình Thạnh
BT- Trong ký ức của người dân Bình
Thạnh (huyện Tuy Phong) luôn có hình ảnh giếng làng trong mát.
Theo cuốn “Bình Thạnh truyền thống
cách mạng và văn hóa”, thì vào năm 1692 (thời Hậu Lê), người của 4 họ: Lê,
Nguyễn, Huỳnh, Phạm, từ miền ngoài đi ghe bầu vào phương Nam tìm nơi sinh sống
đã dừng lại tại vùng đất ngày nay gọi là Bình Thạnh. Vùng đất này sát biển,
nhiều cát, không có sông suối, nhưng có nước ngầm, mọi thứ cây trồng xuống đều
lên xanh tốt, đặc biệt là giống chanh Bình Thạnh. Cũng vì vậy trên vùng đất này
có nhiều giếng nước ngọt, giếng làng.
Có thể kể tên một số giếng làng đã
trải qua hàng trăm năm sử dụng như: giếng Liệc, giếng Lũy, giếng Quán, giếng
Truông, giếng Chợ, giếng Trữ (còn gọi là Chữ)…
Người dân Bình Thạnh rất coi trọng
giếng làng (nguồn tụ thủy tụ phúc của làng). Cả làng ra sức giữ gìn giếng. Có
giếng hình tròn, có giếng hình vuông, nhưng cách xây thì giống nhau. Đá xây
giếng được lấy từ biển, từ núi đưa về, rồi cẩn thận đặt từng viên xây theo vòng,
chồng lên từng lớp cao dần từ đáy đến miệng giếng. Thành giếng cao chừng nửa
mét, đá xây được gắn kết với chất liệu vôi vữa để có độ chắc. Nhiều giếng được
xây hàng trăm lớp đá. Nhờ lớp đá này mà nước giếng nhanh trong và mát lành hơn.
Giờ đây, khi nước sạch được đưa về tận Bình Thạnh, nhưng một số giếng như:
giếng Chợ, giếng Quán vẫn được sử dụng. Đêm trăng, nhiều đôi thanh niên nam nữ
vẫn tụ tập bên giếng làng để đùa vui, múc nước giếng lên tắm, chẳng gì, như là
một thói quen của người thôn quê.
MINH CHIẾN