Hội thảo quốc tế liên kết phát t

Hội thảo quốc tế liên kết phát triển du lịch Việt Nam, Lào và Campuchia: Tạo sức cạnh tranh về sản phẩm và nâng cao năng lực của các doanh nghiệp du lịch

BT- Sáng 12/9, tại thành phố Phan Thiết, UBND tỉnh Bình Thuận đã phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Ban điều phối vùng duyên hải miền Trung tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề: “Liên kết phát triển du lịch vùng duyên hải miền Trung với vùng Đông Nam bộ, Tây nguyên, các tỉnh Nam Lào và Đông Bắc Campuchia”. Dự hội thảo có các đồng chí Lê Vĩnh Tân  - Ủy viên Trung ương Đảng - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Đào Tấn Lộc - Ủy viên Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên, Phó Trưởng Ban điều phối vùng duyên hải miền Trung, Lê Khánh Hải - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; lãnh đạo các bộ, ngành và sự tham gia của 19 tỉnh, thành thuộc các tỉnh, thành vùng duyên hải miền Trung, Đông Nam bộ, Tây nguyên; các nhà đầu tư, doanh nghiệp đến từ hai quốc gia Lào và Campuchia.

Về phía Bình Thuận có các đồng chí, Nguyễn Mạnh Hùng - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Tiến Phương - Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh.

Với đường bờ biển dài trên 1.200 km, vùng duyên hải miền Trung có thế mạnh nổi bật về tài nguyên du lịch biển, đảo với sự đa dạng của các hệ sinh thái đặc trưng như dải cát ven bờ, rừng ngập mặn, rạn san hô, rong biển… đã tạo nên lợi thế cạnh tranh cho vùng duyên hải miền Trung và khu vực lân cận. Những bãi biển đẹp được bao bọc bởi đại ngàn Tây nguyên tạo nên thương hiệu du lịch của vùng trong và ngoài nước hiện nay, là kết quả giao lưu giữ văn hóa Sa Huỳnh và văn hóa Đông Sơn. Vùng duyên hải miền Trung còn có chuỗi con đường di sản văn hóa với Cố đô Huế, đô thị cổ Hội An, đền tháp Mỹ Sơn, bảo tàng văn hóa Chăm, đất võ Tây Sơn… Hội thảo được tổ chức nhằm phân tích, đánh giá tiềm năng và thực trạng phát triển các sản phẩm và các loại hình du lịch, từ đó đưa ra các chính sách, giải pháp gắn kết phát triển các sản phẩm, loại hình du lịch của các tỉnh, thành phố vùng duyên hải miền Trung, vùng Đông Nam bộ và Tây nguyên của Việt Nam với các tỉnh Nam Lào và Đông Bắc Campuchia.

Tại hội thảo, tham luận của các đại biểu cũng cho rằng, ngành du lịch Việt Nam thời gian qua đã phát triển những sản phẩm du lịch liên kết đa dạng, phong phú. Bên cạnh đó, du lịch Bình Thuận cũng đã hướng đến tương lai bằng việc chủ động liên kết phát triển du lịch với các vùng duyên hải miền Trung, Đông Nam bộ, Tây nguyên và 2 quốc gia Lào và Campuchia, mà tiêu biểu là tam giác phát triển du lịch TP. Hồ Chí Minh – Lâm Đồng – Bình Thuận, đã khẳng định được thương hiệu “Chợ Bến Thành – hoa Đà Lạt – biển Mũi Né”. 

Theo Tiến sĩ Trần Du Lịch - Trưởng nhóm duyên hải miền Trung, thì liên kết sản phẩm du lịch nhằm để tăng sức cạnh tranh trong khu vực Asean trên cơ sở tiềm năng du lịch biển đảo, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa… giữa các địa phương trong vùng, cũng như các quốc gia lân cận. Ông Chaleune Warinthrasak, Thứ trưởng Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào cho biết: Thế mạnh liên kết giữa các tỉnh Việt Nam với Nam Lào và Đông Bắc Campuchia rất có lợi thế khi Việt Nam có biển, tạo ra tính hấp dẫn mới. Sự liên kết giữa các tỉnh Việt Nam với Nam Lào và Đông Bắc Campuchia sẽ tạo thêm nhiều sản phẩm du lịch mới, đa dạng, phát huy tối đa thế mạnh du lịch của các vùng trong từng nước.

Từ năm 1995 đến nay, Bình Thuận đã thu hút 393 dự án du lịch với tổng vốn đăng ký đầu tư 55.300 tỷ đồng. Hiện có hơn 290 cơ sở lưu trú du lịch với gần 11.000 phòng; ngoài ra còn có hơn 500 căn hộ, biệt thự cho khách du lịch thuê. Các cơ sở kinh doanh lữ hành, dịch vụ thể thao giải trí, lướt ván buồm, lướt ván diều, lặn biển, chơi golf và các loại hình dịch vụ bổ trợ phát triển nhanh, đáp ứng được nhu cầu của nhiều đối tượng du khách. Du lịch phát triển đã góp phần giải quyết nhiều việc làm, tạo thu nhập ổn định cho lao động địa phương, đặc biệt là lao động nông thôn, các vùng ven biển. Lượng lao động trực tiếp làm việc trong lĩnh vực du lịch tại Bình Thuận tăng bình quân 12%/năm, hiện có khoảng 13.000 người. Lao động gián tiếp liên quan đến hoạt động du lịch khoảng 30.000 người.

Ông Lê Tiến Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết: Trong bối cảnh hợp tác quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay, sự  liên kết về du lịch chặt chẽ, có hiệu quả giữa các vùng trong cả nước, giữa các địa phương trong vùng, giữa các doanh nghiệp du lịch trong và ngoài nước có ý nghĩa rất quan trọng để khai thác hợp lý nguồn tài nguyên du lịch, phát huy lợi thế của từng vùng, từng địa phương, tạo sức cạnh tranh về sản phẩm và nâng cao năng lực của các doanh nghiệp du lịch trong vùng và trong từng nước. Hội thảo là cơ hội thuận lợi để tỉnh Bình Thuận giới thiệu rõ nét hơn tiềm năng, lợi thế, các loại hình, sản phẩm du lịch và kêu gọi các nhà đầu tư, các hãng lữ hành trong và ngoài nước góp sức cùng địa phương khơi dậy và phát huy mạnh mẽ vùng đất giàu tiềm năng du lịch để Bình Thuận sớm trở thành một trong những trung tâm du lịch mang tầm quốc gia.

Đình Hòa