Về Phan Thiết thăm lại Lầu Ông H
Về Phan Thiết thăm lại Lầu Ông Hoàng
BT- Về Phan Thiết, ngoài việc được
tắm biển, thưởng thức những món ngon đặc sản chế biến từ hải sản, du khách còn
có ước muốn thăm núi Tà Cú, về với ngôi trường Dục Thanh, ngày xưa Bác dừng chân
dạy học hay ghé Bảo tàng Hồ Chí Minh gần bên dòng sông Cà Ty đầy thơ mộng, và
cũng không khỏi thầm nhắc đến Lầu Ông Hoàng qua những ca từ đã từ lâu đi sâu vào
lòng người của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh, người con của Phan Thiết: “Lầu Ông
Hoàng đó, thuở nào chân Hàn Mặc Tử đã qua. Ánh trăng treo nghiêng nghiêng, bờ
cát dài thêm hoang vắng...” và những câu thơ ám ảnh tâm trạng trong bài “Phan
Thiết! Phan Thiết” của thi sĩ Hàn Mặc Tử: “Ta lang thang tìm tới chốn Lầu Trăng/
Lầu Ông Hoàng, người thiên hạ đồn vang./ Nơi đã khóc, đã yêu thương da diết/ Ôi
trời ơi là Phan Thiết, Phan Thiết...” ghi dấu một mối tình đầy giai thoại của
thi sĩ với nàng Mộng Cầm xinh đẹp ngày xưa…
|
Lầu Ông Hoàng nằm trên một ngọn đồi ở
phường Phú Hài, Phan Thiết. |
Theo những tài liệu cũ, Lầu Ông
Hoàng xưa kia nằm trên một trong 5 ngọn đồi đẹp ở phường Phú Hài, Phan Thiết.
Đây vốn là một biệt thự do Ferdinand d'Orléans, Công tước De Montpensier, cháu
nội vua Louis-Philippe I của Pháp bỏ ra số tiền 82.000 đồng bạc Đông Dương để
xây, nhưng đến nay đã bị phá hủy và chỉ còn lại tàn tích. Địa danh này cũng được
gắn liền với thi sĩ Hàn Mặc Tử trong giai đoạn ông đến Phan Thiết.
Lầu Ông Hoàng - một địa danh lịch sử
đã đi vào thơ nhạc, và cũng là một địa điểm du lịch của tỉnh Bình Thuận. Nằm
trên một trong 5 ngọn đồi đẹp nhất ở Bà Nài thuộc phường Phú Hài, thành phố biển
Phan Thiết, địa danh Lầu Ông Hoàng bao gồm một quần thể đồi núi, sông biển, chùa
tháp tạo thành khu danh lam thắng cảnh nổi bật với ngọn núi Cố cao cao và 4 ngọn
đồi nhấp nhô sát dải bờ biển.
Hôm chúng tôi đến vào giữa trưa,
nhưng bầu trời êm dịu, nắng vàng trải nhẹ và gió từ biển thổi vào mát rượi. Quần
thể Lầu Ông Hoàng tính từ cổng bán vé vào phải đi lên một ngọn đồi dốc thoai
thoải, được tôn tạo lại thành cảnh trí như công viên với nhiều băng đá cho du
khách nghỉ chân, cùng thảm cỏ có ghi tên Po Sah Inư sơn màu trắng nổi bật trên
nền cỏ xanh. Phía trước chúng tôi là tháp Po Sah Inư hay còn gọi là tháp Chăm
Phố Hài, hoặc tháp A, đây là ngôi tháp được người Chăm xây dựng vào khoảng cuối
thế kỷ thứ VIII, đầu thế kỷ thứ IX để thờ thần Shiva, một trong những vị thần Ấn
Độ giáo được sùng bái và tôn kính. Tiếp tục rẽ trái khoảng chừng vài chục mét là
cụm tháp với ngôi tháp nhỏ phía trước và tháp lớn kề bên, tháp B, tháp C, là nơi
thờ công chúa Poshainư, con vua Para Chanh là người có tài đức được nhân dân yêu
mến và tôn kính. Ngoài ra còn thờ thêm thần Lửa và bò thần Nadin. Những ngôi
tháp đã nhuốm màu rêu phong từng là biểu tượng của thời kỳ cực thịnh của vương
quốc Chăm, nay đen sạm cùng với thời gian và sự hủy diệt, những nơi còn dấu vết
mới và có cả dấu vết xi-măng là những chỗ vừa được trùng tu tôn tạo, cố giữ dáng
hình một thời đã xa thật xa… mơ hồ trong nắng, gió, những chiếc loa được giấu
kín khéo léo dọc đường đi phát những bản nhạc Chăm buồn và nao nao cảm giác khó
tả. Hiện tháp Po Sah Inư đã được công nhận là di tích cấp quốc gia. Tại đây
chúng tôi có dịp hàn huyên cùng với ông già người Chăm lo việc nhang khói ở
tháp, cùng với cô gái Chăm làm công tác thuyết minh, biết thêm nhiều điều thú vị
ở Lầu Ông Hoàng, khi chúng tôi chia tay để tiếp tục cuộc hành trình đến với khu
đất xưa là Lầu Ông Hoàng, cách đó chừng trăm mét, giữa những lau lách, cây cỏ
hoang vu, cám cảnh cùng với câu thơ của Hàn Mặc Tử: “Mà tang thương còn lại mảnh
sao rơi!” (Phan Thiết! Phan Thiết). Nhiều người cho rằng đây là bài thơ phóng
bút của Hàn ghi trên một bia đá ở Lầu Ông Hoàng, nhưng thực tế không phải vậy vì
giai đoạn từ 1934 đến 1935, Hàn có đến Lầu Ông Hoàng nhưng không đề thơ, và
tháng 8 năm 1945, Lầu Ông Hoàng đã bị dân quân du kích Phú Hài đánh sập thực
hiện lệnh tiêu thổ kháng chiến. Nơi đây chỉ còn trơ lại nền gạch hoang tàn, sau
đó quân đội Pháp cho xây mấy dãy ngầm lô cốt và một lô cốt hình hộp vuông, vươn
lên đồi cao với nhiều lỗ châu mai, còn tồn tại đến ngày nay, thoạt mới trông
giống như “cái lò” sấy thuốc lá ở khu vực miền Đông Nam bộ, nhất là ở Tây Ninh.
Không phải là “lầu” hay “nhà” như nhiều người lầm tưởng… Lầu Ông Hoàng chỉ còn
trong những ca từ và sự nuối tiếc của những người đương thời hoài niệm trước
những vật đổi sao dời của cuộc sống.
Đứng trên đồi cao, nghe gió biển
lồng lộng thổi, thành phố Phan Thiết dưới kia, nhà cửa chen chúc nhỏ xíu như khi
ngồi trên máy bay nhìn xuống, đâu đây như nghe giọng ngâm thơ Hàn: “Ai mua trăng
tôi bán trăng cho/ Chẳng bán tình duyên ước hẹn hò…”. Nhìn các em học sinh và
những du khách, hí húi ghi chép những chi tiết thú vị do cô gái thuyết minh
người Chăm kể, lòng bỗng tràn đầy niềm xúc cảm về một nơi chốn xưa, nơi chốn Hàn
đã thú nhận: “Mi là nơi ta sầu muộn ngất ngư”, đã đi vào cuộc tình đẹp và thơ ca
của ông…
TRẦN HOÀNG VY