Chủ động liên kết vùng

Chủ động liên kết vùng, tạo bước đột phá trong phát triển du lịch

(Trích tham luận của lãnh UBND tỉnh Bình Thuận tại Hội thảo quốc tế “Liên kết phát triển du lịch vùng duyên hải  miền Trung với vùng Đông Nam bộ, Tây nguyên, các tỉnh Nam Lào và Đông Bắc Campuchia” tại TP. Phan Thiết, Bình Thuận ngày 12/9/2015).

BT- Là tỉnh duyên hải miền Trung,  Bình Thuận cách thành phố Hồ Chí Minh 200 km về phía Bắc,  thuận lợi trong giao lưu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với các tỉnh miền Đông Nam bộ và Tây nguyên.

Họp báo Hội thảo quốc tế liên kết phát triển du lịch Việt Nam, Lào và Campuchia tại TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Đình Hòa

 Tài nguyên và thế mạnh

Toàn tỉnh có bờ biển dài 192km, nhiều bãi biển đẹp, trong đó biển Mũi Né đã được nhiều  tạp chí quốc tế uy tín vinh danh là một trong những bãi biển đẹp và hấp dẫn nhất tại Đông Nam Á.

Khí hậu nắng ấm quanh năm, ít mưa bão, Bình Thuận  thuận lợi  phát triển các loại hình du lịch (nghỉ dưỡng, thể thao, văn hóa, tín ngưỡng, tham quan dã ngoại….)

Hai mươi năm qua, kể từ sự kiện nhật thực toàn phần đến nay, Bình Thuận đã thu hút 393 dự án du lịch với tổng vốn đăng ký đầu tư 55.300 tỷ đồng, trong đó có một số dự án có quy mô lớn từ 200 đến 500 ha, có dự án khu du lịch phức hợp đến 1.000 ha.

Hiện có hơn 290 cơ sở lưu trú du lịch với gần 11.000 phòng, trong đó, 62 cơ sở lưu trú là resort từ 3 sao đến 5 sao với hơn 5.500 phòng. Ngoài ra còn có hơn 500 căn hộ, biệt thự cho khách du lịch thuê. Các cơ sở kinh doanh lữ hành, dịch vụ thể thao giải trí, lướt ván buồm, lướt ván diều, lặn biển, chơi golf và các loại hình dịch vụ bổ trợ phát triển nhanh, đáp ứng được nhu cầu của nhiều đối tượng du khách.

Lượng khách du lịch tăng trưởng ổn định, bình quân từ năm 2011 đến nay tăng trưởng ở mức 12,2%/năm, riêng khách quốc tế tăng bình quân 15,4%. Doanh thu  du lịch tăng trưởng khá cao, bình quân.

 Du lịch với vai trò là một ngành kinh tế - xã hội, đã góp phần quan trọng cho sự tăng trưởng và phát triển kinh tế của Bình Thuận. GRDP du lịch tăng hàng năm 5,5%/năm, năm 2014 chiếm tỷ trọng khoảng 7,5% GRDP của tỉnh.

  Du lịch phát triển  góp phần giải quyết nhiều việc làm, tạo thu nhập ổn định cho lao động địa phương, đặc biệt là lao động nông thôn,  các vùng ven biển. Lượng lao động trực tiếp làm việc trong lĩnh vực du lịch  tăng bình quân 12%/năm, hiện có khoảng 13.000 người. Lao động gián tiếp liên quan đến hoạt động du lịch khoảng 30.000 người.

Du lịch phát triển làm thay đổi bộ mặt đô thị và nông thôn. Hạ tầng phục vụ du lịch cũng góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân ở các vùng du lịch. Du lịch góp phần gìn giữ, phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, các tài nguyên thiên nhiên, làm đẹp thêm cảnh quan, môi trường.

 Hướng đến 2020

Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng duyên hải Nam Trung bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, xác định Bình Thuận là một trong những  trọng điểm phát triển du lịch của cả nước. Thành phố Phan Thiết là trung tâm phụ trợ của tiểu vùng du lịch phía Nam thuộc duyên hải Nam Trung bộ. Mũi Né được quy hoạch là khu du lịch quốc gia. Đảo Phú Quý là điểm du lịch quốc gia và thành phố Phan Thiết là đô thị du lịch.

Để đạt được mục tiêu phát triển bền vững,  ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đến năm 2020, Bình Thuận chủ động đề nghị  Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương đầu tư đường cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết, đưa cảng Vĩnh Tân, sân bay Phan Thiết vào hoạt động, đáp ứng  đi lại thuận lợi, an toàn; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, tăng cường xúc tiến, quảng bá du lịch để thu hút đầu tư, quảng bá hình ảnh Bình Thuận đến với mọi nơi. Bình Thuận cam kết  cải thiện môi trường đầu tư, triển khai, quản lý tốt quy hoạch du lịch, cải cách thủ tục hành chính, và tích cực tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho nhà đầu tư về đất đai, giải phóng mặt bằng…; khai thác gắn chặt với bảo về tài nguyên du lịch và môi trường tự nhiên bằng các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế quản lý; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch, dịch vụ du lịch không thực hiện đúng các quy định về vệ sinh, môi trường; tăng cường xử lý các hành vi làm mất vệ sinh công cộng, gây ô nhiễm môi trường đối với cả người dân lẫn du khách; đảm bảo môi trường xã hội thật sự an toàn, thân thiện và tin cậy cho du khách; nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư trong kinh doanh  dịch vụ  du lịch… Sức cạnh tranh của du lịch cũng như khả năng phát triển bền vững  của một điểm đến du lịch phụ thuộc rất lớn vào mối quan hệ giữa các thành tố liên quan của hoạt động du lịch, trong đó cộng đồng dân cư có vai trò rất quan trọng.

Liên kết để phát triển

Sự tham gia tích cực của cộng đồng là một trong những giải pháp quan trọng để xây dựng môi trường du lịch tại địa phương. Cộng đồng dân cư vừa là nguồn lực tại chỗ, mà còn là lực lượng giám sát môi trường nhanh và hiệu quả nhất.

Cùng với sự cải thiện đáng kể về giao thông đối ngoại và với nỗ lực xây dựng môi trường du lịch, phối hợp đăng cai tổ chức Hội thảo quốc tế “Liên kết phát triển du lịch vùng duyên hải miền Trung với vùng Đông Nam bộ, Tây nguyên, các tỉnh Nam Lào và Đông Bắc Campuchia”, Bình Thuận kỳ vọng sẽ được đón dòng đầu tư thứ hai từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước để khai thác tối ưu tài nguyên, lợi thế, phát triển du lịch đúng mục tiêu mong muốn.

Trong bối cảnh hoạt động du lịch đang đứng trước thời cơ và vận hội mới, đó là sự quan tâm của Chính phủ đối với lĩnh vực du lịch ngày càng lớn hơn, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hơn, Asean hóa, toàn cầu hóa, du lịch Bình Thuận nói riêng, khu vực duyên hải miền Trung và cả nước nói chung cần có sự năng động, chủ động hợp tác, liên kết về du lịch tạo sức mạnh và nâng cao sức cạnh tranh du lịch trong vùng, phát triển mạnh mẽ, tạo sự phát triển đột phát cho du lịch Việt Nam trong những năm tới.